1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nữ nhân viên chăm sóc người tâm thần: Tôi xem họ như người thân của mình

Khánh Hồng

(Dân trí) - Hơn 20 năm gắn bó với công việc tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần TP Đà Nẵng, chị Hồ Thị Hợi (sinh 1971) luôn chăm sóc, yêu thương những bệnh nhân ở đây như chính người thân của mình vậy.

Chăm sóc bệnh nhân như cha mẹ mình

Năm 2000, chị Hợi xin vào làm việc tại Trung tâm điều trị người tâm thần TP Đà Nẵng. Công việc của chị là chăm sóc những người tâm thần đang được điều trị tại đây. Lúc đầu, nghe đến người "điên", chị Hợi cũng sợ lắm nhưng chị cũng muốn "thử sức" với công việc này.

Thời gian đầu, do chưa quen với các bệnh nhân, việc bị bệnh nhân rượt đánh đối với chị Hợi là chuyện bình thường. Đối với chị Hợi, thời điểm đó, mỗi ngày đi làm về là một ngày an toàn. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh, hiểu được hoàn cảnh của mỗi người, chị Hợi thấy họ đáng thương hơn là đáng sợ.

Nữ nhân viên chăm sóc người tâm thần: Tôi xem họ như người thân của mình - 1

Chị Hợi luôn chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tận tình

Các bệnh nhân ở đây là những không có người thân, sống lang thang, người già neo đơn. Mỗi người đều có những hoàn cảnh, số phận éo le.

Được sự chăm sóc tận tụy của chị Hợi, kết hợp với điều trị thuốc men, những bệnh nhân ở đây ngày càng hiền hòa hơn. Họ yêu chị quý và không còn rượt đuổi chị nữa. Những lúc bình thường, không lên cơn, họ lại tâm sự với chị về cuộc đời, số phận.

Dần dần, chị Hợi càng muốn gắn bó với nơi này, xem Trung tâm là ngôi nhà thứ 2 của mình, những người bệnh ở đây là người nhà của mình.

"Mỗi khi ở nhà có chuyện, lên gặp bệnh nhân là chị thấy vui. Xa bệnh nhân một ngày là nhớ. Hôm nào thôi tôi ốm không đi làm, hôm sau lên các bệnh nhân xúm lại hỏi: Cô Hợi đã khỏe chưa, rồi hỏi thăm đủ thứ", chị Hợi kể lại.

Nữ nhân viên chăm sóc người tâm thần: Tôi xem họ như người thân của mình - 2

Chị cũng thường xuyên đưa người bệnh ra ngoài đi dạo, tắm nắng và trò chuyện

Mấy năm nay, chị Hợi được phân công chăm sóc bệnh nhân nữ cao tuổi và hạn chế vận động. Công việc mỗi ngày của chị Hợi bắt đầu bằng việc tắm rửa, vệ sinh cho các bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn sáng, đưa đi tắm nắng. Những lúc rảnh rỗi, chị lại ngồi nghe các bệnh nhân tâm sự.

Chăm sóc những bệnh nhân tâm thần vốn đã vất vả mà lại là những người già, hạn chế vận động thì công việc càng vất vả hơn nhiều.

"Làm việc ở đây phải là người có tâm mới trụ lại được. Ở nhà mình chăm sóc, đối xử với bố mẹ mình như thế nào thì ở đây mình đối xử với bệnh nhân như thế đó. Đối với tôi, niềm vui mỗi ngày là thấy bệnh nhân ngày càng tiến triển", chị Hợi cho biết.

Cách đây một tháng, bệnh nhân N.T.L. mất thì ung thư cổ tử cung. Trước đó, trong thời gian bà L. nằm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, chị Hợi cùng những nhân viên khác của Trung tâm thay phiên nhau vào bệnh viện chăm sóc. Khi bà L. mất, chị Hợi đau buồn như mất đi một người thân ruột thịt.

"Bệnh nhân sống với mình như một gia đình, vì vậy khi họ mất chúng tôi cũng rất buồn. Tuy nhiên, có điều an ủi là chúng tôi đã chăm sóc cho bà tận tình đến phút cuối cùng nên trong lòng cũng không còn có gì áy náy", chị Hợi chia sẻ.

Hạnh phúc khi những đóng góp được ghi nhận

Chị Hợi là một trong "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" trong lĩnh vực an sinh, xã hội được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng vinh danh vào tháng 11/2020.

Chia sẻ niềm vui, chị Hợi cho biết: "Đó là một bất ngờ quá lớn. Chăm sóc mọi người ở đây là trách nhiệm cũng như tình cảm tôi dành cho các bệnh nhân. Tôi không nghĩ có ngày mình lại được nhận bằng khen như thế này".

Nữ nhân viên chăm sóc người tâm thần: Tôi xem họ như người thân của mình - 3

Chị Hợi luôn xem các bệnh nhân ở đây như người thân của mình

Chị Hợi cũng cho biết, tuy công việc vất vả nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Chị Hợi cũng luôn mong muốn những người kế tiếp công việc của chị sau này cũng luôn yêu thương các bệnh nhân.

Theo ông Tán Thanh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người tâm thần TP Đà Nẵng, chị Hợi là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhân cao tuổi, hạn chế vận động. Chị luôn chăm sóc người bệnh tận tình như người nhà.

"Khi được đề nghị chọn người để tuyên dương khen thưởng, chúng tôi nghĩ ngay đến chị Hợi. Chị chăm sóc bệnh nhân rất cẩn thận, đút từng thìa cháo, gỡ từng cái xương cá…", ông Vũ cho hay.

Trung tâm điều dưỡng người tâm thần TP Đà Nẵng đang quản lý, chăm sóc và điều trị phục hồi chức năng cho 350 người tâm thần. Những người vào đây là những người không có gia đình, neo đơn, đi lang thang và bệnh đặc biệt nặng.