Khánh Hòa:
Người quản trang 20 năm thầm lặng chăm sóc phần mộ liệt sĩ
(Dân trí) - "Thực sự khi đó tôi không nghĩ mình lại có thể tìm thấy niềm vui trong công việc này dài như thế", ông Bùi Ngọc Trừ - người ngót nghét 20 năm thầm lặng chăm sóc phần mộ liệt sĩ - nói.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, chúng tôi đã ghé thăm Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Đến đây, chúng tôi được nhiều người nhắc đến một người luôn lặng lẽ giữa đời thường, âm thầm cống hiến cho xã hội, cộng đồng.
Đó là câu chuyện về người quản trang Bùi Ngọc Trừ (SN 1964, TP Nha Trang) - người ngót nghét 20 năm thầm lặng chăm sóc phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, TP Nha Trang.
"Từ những ngày đầu tiên đến nghĩa trang làm công việc quét dọn, thắp nhang, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ mà đến nay thấm thoắt cũng 20 năm ròng rã. Thực sự khi đó tôi không nghĩ mình lại có thể tìm thấy niềm vui trong công việc này dài như thế", ông Trừ bộc bạch.
Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung có hơn 800 phần mộ liệt sĩ, trong đó có hơn 200 phần mộ chưa biết tên. Ngoài phần lớn liệt sĩ quê quán tại tỉnh Khánh Hòa, một phần nhỏ đến từ Hải Phòng, Hà Tây, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…
Các liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ; bộ đội tình nguyện hi sinh tại chiến trường Campuchia.
Những ngày giáp Tết nguyên đán Tân Sửu, ông Trừ cùng 5 nhân viên trong tổ quản trang tất bật, bận rộn hơn. Có thể nói những công việc của họ là không tên, đụng đâu làm đó và làm không dứt. Từ lau dọn vệ sinh các phần mộ, treo cờ Tổ quốc và băng rôn mừng xuân mới, cho đến xếp hoa lên từng phần mộ; chăm hoa và tưới nước cho cây cảnh…
Khi đến thăm nghĩa trang, chúng tôi nhận thấy không khí lao động hăng say của các nhân viên ở đây. Thành quả lao động ấy là một không gian cây xanh rợp bóng, phảng phất hoa thơm. Điều đó cũng có nghĩa rằng là không ít mồ hôi của họ đã đổ xuống đây.
"Căn thẳng hàng cho từng chậu hoa vạn thọ vào bên phần mộ! Còn bao nhiêu phần mộ nữa chưa có hoa? Đưa hoa qua khu bên này nhé!". Đó là những câu thoại trao đổi công việc đầy hối hả, gấp gáp khi Tết nguyên đán sắp đến gần. Với họ, việc chăm sóc cho các phần mộ liệt sĩ tươm tất nhất là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng là vinh dự to lớn.
"Tết đến xuân về thì công việc của anh em chúng tôi cũng tất bật hơn để cho từng phần mộ khang trang nhất có thể. Để làm sao mỗi ngày khi kết thúc công việc, lòng mình cũng cảm thấy nhẹ nhàng, ấm áp hơn", người đàn ông quản trang chia sẻ.
Hơn 20 năm làm việc tại nghĩa trang, ông Trừ chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện xúc động tại nghĩa trang này. Đó là những giây phút vỡ òa của nhiều gia đình thân nhân ở miền Bắc hay miền Trung.
"Họ òa khóc nức nở trên phần mộ liệt sĩ con em mình mà có lẽ cũng vì xa quá, lâu quá mới có dịp vào thăm. Chứng kiến giây phút đó đôi khi lòng mình cũng không kìm nén được", người quản trang xúc động nói.
Đó còn là những kỷ niệm khó quên khi lãnh đạo Trung ương hay lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vào viếng các liệt sĩ vào các dịp lễ lớn trong năm như dịp Tết nguyên đán, kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7; ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4…
Chia sẻ thêm về công việc thầm lặng tại nghĩa trang, anh Lê Thanh Phong, một người làm việc tại nghĩa trang 15 năm - tâm sự: "Nói chung việc ở đây cũng vất vả, đòi hỏi sự hi sinh, tận tụy. Chúng tôi mong muốn các cơ quan cấp trên quan tâm hơn đến đời sống anh em nhân viên tại nghĩa trang, để anh em yên tâm công tác", anh Phong tâm sự.
Trước những đóng góp của mình, năm 2020, ông Trừ đã được Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen vì sự nghiệp 20 năm làm việc thầm lặng, cống hiến đóng góp cho cộng đồng xã hội.