Nữ hộ lý gần 20 năm chăm sóc người có công
(Dân trí) - Đó là câu chuyện về nữ hộ lý Phan Thị Danh tại Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng. Suốt 20 năm nay, chị chăm sóc các cụ già từng bữa ăn, giấc ngủ như chính ông bà, cha mẹ của mình.
"Duyên nợ" gắn kết
Năm nay vừa tròn 53 tuổi nhưng chị Phan Thị Danh đã có đến 20 năm làm công tác chăm sóc những người có công cách mạng. Đối với chị, công việc thầm lặng này không chỉ là trách nhiệm, tình yêu thương mà còn là sự biết ơn đối với những người đã hy sinh một phần đời cho cách mạng.
Nói về cơ duyên đưa mình đến với công việc này, chị Danh cho biết, bố mẹ chị là liệt sĩ hy sinh khi chị mới 5 tuổi. Thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, chị sống trong sự đùm bọc, yêu thương của bà ngoại.
Đầu những năm 2000, khi biết Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng cần tuyển nữ hộ lý, chị Danh nộp hồ sơ xin vào làm việc.
Chị Phan Thị Danh là một trong "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" trong lĩnh vực an sinh xã hội đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen và vinh danh tháng 11/2020.
"Bố mẹ mất khi tôi còn quá nhỏ, tôi chăm sóc các cụ ở đây cũng là cách để nhớ đến bố mẹ mình và báo đáp công lao to lớn của những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc", chị Danh chia sẻ.
Công việc của chị Danh là chăm sóc các cụ từ bữa ăn đến giấc ngủ. Những lúc các cụ đau ốm, chị cũng lo canh trực cả đêm.
Chị Danh cho biết, ở Trung tâm, mỗi cụ một tính cách và hoàn cảnh khác nhau. Phải nắm vững tính tình, thói quen, sở thích, độ tuổi và sức khỏe từng cụ để bố trí sắp xếp nơi ăn ở phù hợp. Các cụ hài lòng, sẽ sống hòa thuận, vui khỏe và tương trợ lẫn nhau.
Chăm sóc những cụ già bình thường đã khó, chăm sóc những cụ nằm bất động và bán bất động còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Thế nhưng, với tình thương và tấm lòng của mình, chị luôn phấn đấu làm tròn trách nhiệm, chăm sóc các cụ chu đáo.
Đặc biệt, niềm vui của chị Danh khi chăm sóc những cụ ông, cụ bà tại Trung tâm cũng rất đơn giản, đôi khi chỉ là những nụ cười, câu nói vui, hay một hành động ý nghĩa của các cụ đã là động lực to lớn để chị tiếp tục cố gắng.
"Thời gian tôi ở Trung tâm, bên các cụ nhiều hơn ở nhà. Vì thế, mỗi lần đi đâu xa vài bữa là thấy nhớ các cụ, các cụ không thấy tôi cũng rất nhớ", chị Danh chia sẻ những tình cảm mà mình dành cho ngôi nhà thứ 2.
Người con yêu của các cụ
Chúng tôi ghé thăm Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng vào một ngày cuối năm. Khuôn viên Trung tâm rộng rãi, thoáng mát rất thuận lợi để các cụ đi dạo, hóng mát. Bên hiên, những bộ bàn ghế được kê sẵn để các cụ có thể ngồi trò chuyện cùng nhau.
Nhắc đến chị Danh, các cụ đều cười vui vẻ và dành cho chị những tình cảm yêu quý.
"Chị Danh siêng năng và nhiệt tình lắm. Những lúc tôi đau ốm chị ấy thức trắng đêm bên giường để chăm sóc tôi. Chị ấy còn hay nói chuyện chọc cho tôi vui nữa. Tôi thương chị Danh như con của mình vậy", Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Xuân (95 tuổi) nói, rồi ôm chầm lấy và đặt một nụ hôn lên má của chị Danh khi chị vừa đi tới.
Trong khi đó, cụ Nguyễn Thị Thương (70 tuổi) cầm trên tay chiếc áo vừa được may lại vài đường chỉ ở cổ, cười khoe với chúng tôi: "Danh vừa khâu lại cho tôi đấy, khâu cẩn thận lắm, áo quần của tôi cái nào bị sổ chỉ chị ấy đều khâu lại dùm tôi. Ở đây ai cũng yêu quý chị Danh cả".
Bà Đoàn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng cho biết, các cụ ở đây đều lớn tuổi nên thường khó tính, một số cụ bất động và bán bất động không tự chủ được trong việc sinh hoạt cá nhân nên công việc của các nhân viên ở đây rất vất vả.
Tuy nhiên, chị Danh với nhiệm vụ của nữ hộ lý đã chăm sóc các cụ rất tận tình, chu đáo. Chị Danh cũng rất nhạy cảm, hiểu được tính tình của mỗi cụ, chiều các cụ và yêu thương các cụ như cha mẹ của mình.
"Trong công việc chị Danh là một người rất chịu khó và luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chị luôn tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các cụ để chủ động chăm sóc các cụ được tốt hơn", bà Ngọc nói.
Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng đang chăm sóc, phụng dưỡng 55 cụ (48 cụ bà, 7 cụ ông), trong đó có 1 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 1 cán bộ lão thành cách mạng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa và các thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, thân nhân người có công với cách mạng… Có gần 30 cụ là nằm bất động và bán bất động. Các cụ có độ tuổi từ 60-105 tuổi.