1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thanh Hóa:

Chuyện cảm động về người phụ nữ hơn 20 năm chăm sóc bệnh nhân da cam

(Dân trí) - Sau một ngày tất bật với công việc chăm sóc bệnh nhân da cam ở Trung tâm, chị Đới Thị Hà trở về nhà lại bận rộn với việc chăm chồng- anh cũng là thương binh đặc biệt quanh năm đau ốm.

"Tôi thương người lính và yêu nghề"

Là con duy nhất của liệt sĩ Đới Duy Lược, năm 1968, khi được 1 tuổi thì cha chị Đới Thị Hà (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) hy sinh ở chiến trường phía Nam.

Năm 1998, chị Hà đã xin vào làm nhân viên tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa, làm nhiệm vụ chăm sóc thương bệnh binh nặng, bệnh nhân chất độc da cam. Với hoàn cảnh bản thân, chị luôn có sự đồng cảm những người lính khi trở về, dù cho chiến tranh lùi xa nhưng nỗi đau vẫn dai dẳng mãi.

Chuyện cảm động về người phụ nữ hơn 20 năm chăm sóc bệnh nhân da cam - 1

Chị Đới Thị Hà hơn 20 năm chăm sóc thương bệnh binh nặng và bệnh nhân chất độc da cam.

Trong công việc hơn 20 năm qua, chị Hà đã tự tay tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho họ, đút từng miếng ăn, lo từng giấc ngủ cho bệnh nhân.

Những bệnh nhân chị chăm sóc đều là bệnh nhân nặng, là những người lính mang trong mình nhiều mảnh đạn hay đã bỏ lại một phần cơ thể ở chiến trường hoặc sinh ra những đứa con không lành lặn. Hầu hết trong số đó ăn uống, vệ sinh tại chỗ.

Điều đặc biệt là chị Hà cũng nên duyên với một thương binh nặng ở ngôi nhà chung này. Bởi thế, hơn ai hết chị hiểu nỗi khổ của người lính. Không chỉ ốm đau, bệnh tật bởi di chứng chiến tranh, họ còn sinh ra những đứa con tật nguyền.

"Dù chồng tôi không phải nằm một chỗ nhưng trong cơ thể vẫn còn những mảnh đạn, sức khỏe yếu, đau ốm quanh năm. Còn nhớ những ngày tháng con nhỏ, chồng ốm đau, hết chăm sóc người bệnh lại quay về chăm sóc chồng. Mấy năm nay, con lớn chút nên nó cũng chăm bố đỡ cho mẹ" - chị Hà cho biết.

Chuyện cảm động về người phụ nữ hơn 20 năm chăm sóc bệnh nhân da cam - 2

Công việc mà chị Đới Thị Hà làm mỗi ngày ở Trung tâm là tắm rửa, vệ sinh và cho các bệnh nhân ăn uống...

Chị cũng tâm sự, người lính khi trở về, bệnh tật, đau đớn là vậy nhưng hầu hết họ phải chịu cảnh cô độc, không có người thân bên cạnh. Chứng kiến cảnh tượng đó, nước mắt tôi ứa ra. Khi tôi chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh cho họ, tôi không có cảm giác sợ hãi mà thấy đồng cảm như thể đấy chính là người thân của mình.

Vừa cho bệnh nhân Lê Thị Phương uống sữa, chị Hà vừa kể, bệnh nhân Phương là con gái của người lính nhiễm chất độc da cam. Di chứng của chiến tranh đã khiến chị sinh ra trong tàn tật, chỉ có thể nằm co quắp một chỗ.

Năm 2000 định mệnh, trong lúc không có người ở nhà, chị Phương bị kẻ xấu đến xâm hại và sinh ra một cậu con trai. 10 năm trước, khi bố mẹ không còn, chị được Trung tâm đón về nuôi dưỡng.

Về đây, chị Phương không những được cán bộ phục vụ từ miếng ăn, giấc ngủ mà còn được chia sẻ những nỗi niềm khiến người đàn bà bất hạnh này quên đi nỗi đau của cuộc đời.

Chuyện cảm động về người phụ nữ hơn 20 năm chăm sóc bệnh nhân da cam - 3

Nhiều bệnh nhân ở Trung tâm rất thích được chị Hà chăm sóc.

"Đó là một trong số những hoàn cảnh bi đát sau chiến tranh, gặp những mảnh đời như thế làm sao mình không thương được. Bởi thế mà những ngày đầu làm công việc tắm rửa, thay bỉm cho họ, tôi có chút bỡ ngỡ nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ nản lòng. Nếu không xuất phát từ tình thương, thì khó mà làm được công việc này. Sau chừng ấy năm, đã quen rồi những khó khăn, những vất vả nên giờ tôi yêu nghề lắm" - chị Hà trải lòng.

Những cuộc gọi bất ngờ trong ngày nghỉ, ngày Tết,

Chị Hà kể, hơn 20 năm làm công việc này, gần như chưa có năm nào được ăn 3 ngày Tết trọn vẹn bởi các cán bộ, y bác sĩ phải thay nhau trực.

Không chỉ vậy, những người như chị Hà luôn ở tâm thế sẵn sàng khi đang là ngày nghỉ ở nhà hay Tết mà có cuộc gọi từ Trung tâm là gấp quần áo lên đường ngay. Lúc đó có bệnh nhân nặng phải đưa lên tuyến trên, chị phải đi theo để chăm sóc. Hơn 20 năm qua, chị không nhớ biết bao lần đi chăm bệnh nhân ở các bệnh viện từ 103, 108, Bệnh viện y học cổ truyền…

"Thấy hoàn cảnh của mình đặc biệt, nhiều lần lãnh đạo cũng ưu tiên để người khác đi thay nhưng tôi vẫn nói với lãnh đạo là cứ yên tâm, gia đình tôi sắp xếp được. Chồng tôi rất chia sẻ và ủng hộ công việc của vợ vì anh cũng là người lính" - chị Hà nói.

Chuyện cảm động về người phụ nữ hơn 20 năm chăm sóc bệnh nhân da cam - 4

Sau những ngày bận rộn chăm sóc bệnh nhân ở Trung tâm, chị Hà lại trở về chăm sóc người chồng cũng là thương binh đặc biệt.

Chị bảo những người lính khi vào đây đã mang theo nhiều bệnh tật nên họ rất khó tính, mình chăm sóc làm sao để họ quý đó cũng là điều rất khó. Vậy mà chị Hà được các cụ ở đây xem như con gái hay như các bệnh nhân da cam, nếu vắng chị Hà một ngày khi chị đi chăm bệnh nhân tuyến trên là các cháu dặn "cô ơi, cô đi nhanh về nhé".

Nhiều lần, chị Hà chứng kiến bệnh nhân chết ngay trên tay mình. Tưởng nhiều lần như vậy, trái tim đã chai đi, nhưng không, cảm xúc thương, đau vẫn hiện hữu kéo dài đến nhiều ngày sau đó.

"Ngày nào cũng tắm rửa vệ sinh cho các cụ, chăm từng miếng cơm, giấc ngủ nên mỗi khi đưa tiễn một người rời khỏi cõi đời là mỗi lần xót xa, đau như chính mình mất đi người thân" - chị Hà trải lòng. Với nữ nhân viên này, mỗi một lần đưa tiễn là một cảm xúc khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Chị Hà là nhân viên được rất nhiều bệnh nhân ở đây quý mến. Dù có hoàn cảnh đặc biệt, chồng cũng là thương binh nặng nhưng chị vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Ở Trung tâm thì tận tình chăm sóc bệnh nhân, về nhà thì tận tình, chu đáo với chồng con.

Nhiều bệnh nhân ở đây gần như không biết gì, ngay cả việc tắm rửa, ăn uống, thậm chí các bác đi vệ sinh, cán bộ cũng phải giúp đỡ, xong thì dọn rửa… Có bác đang nửa đêm thì bệnh nặng phải chuyển tuyến trên, chị Hà lại lên đường. Chị Hà cũng như các cán bộ ở đây đã làm việc bằng cả tình thương và trách nhiệm. Nếu không có tình thương, sự đồng cảm thì không thể làm được công việc này".

Ngày 27/11/2020, chị Đới Thị Hà, đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng bằng khen: "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" với thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội.