Nữ chủ quán cơm từ thiện giải thích về thùng quyên góp 2.000 đồng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Với tấm lòng hảo tâm, nhiều cá nhân, tổ chức tại thành phố Pleiku, Gia Lai mỗi ngày đều nấu cơm, phát bánh mì miễn phí tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Nhiều tháng nay, quán ăn thiện nguyện 2.000 đồng mở trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, thành phố Pleiku) tấp nập bệnh nhân và người nhà.

Quán ăn trên do chị Nguyễn Thị Huy (SN 1989, trú tổ 4, phường Hội Thương, thành phố Pleiku) mở ra để giúp bệnh nhân và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Nữ chủ quán cơm từ thiện giải thích về thùng quyên góp 2.000 đồng - 1

Mỗi ngày, hàng trăm bệnh nhân điều trị nội trú và người nhà đã ra quán ăn của chị Huy dùng cơm (Ảnh: Chí Anh).

Chị Huy cho biết: "Tôi thường vào bệnh viện và thấy hoàn cảnh người nhà bệnh nhân phải ăn từng cái bánh mì, nắm xôi qua bữa. Bệnh nhân vì không có tiền nên phải ăn uống kham khổ. Từ đó, tôi đã quyết định lấy số tiền dành dụm gần chục năm qua để mở quán cơm từ thiện này.

Tôi chỉ làm nghề bán quần áo, kinh tế không dư gì. Tuy nhiên, tôi luôn mong mỏi làm một điều gì cho xã hội. Theo tính toán, nguồn tiền của tôi sẽ giúp duy trì quán cơm ít nhất 3 năm, sau đó sẽ tính tiếp", chị Huy cho hay.

Nữ chủ quán cơm từ thiện giải thích về thùng quyên góp 2.000 đồng - 2

Bữa cơm ấm áp và giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (Ảnh: Chí Anh).

Quán ăn 2.000 đồng của chị Huy được mở cửa vào các buổi trưa từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, mỗi ngày có 250-300 phần ăn. Mỗi suất ăn gồm có cơm trắng, món kho, rau xào, canh, trái cây và một phần nước đậu nành, đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Mọi người khi đến quán có thể tự lấy cơm, đồ ăn theo sở thích và sức ăn. Khi ăn xong, ai có điều kiện thì bỏ vào thùng quyên góp 2.000 đồng.

Chị Huy giải thích: "Ban đầu, quán đều nấu ăn miễn phí cho bệnh nhân, người nhà. Nhưng nhiều người còn ngại nên tôi đã nghĩ ra việc trả 2.000 đồng để mọi người thấy thoải mái hơn. Mọi người có tâm thì quyên góp 2.000 đồng giúp bếp ăn duy trì hoạt động".

Nữ chủ quán cơm từ thiện giải thích về thùng quyên góp 2.000 đồng - 3

Bà Rơ Mah Lan cùng chồng đã có những bữa ăn miễn phí để chống trọi với bệnh tật (Ảnh: Chí Anh).

Ông Nguyễn Thanh (75 tuổi, ở thôn 2, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) hơn một tuần nay túc trực chăm vợ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Cứ khoảng 11h, ông và nhiều người lại ra quán ăn cơm. Sau đó, ông Thanh xin thêm một suất về cho vợ đang điều trị ở viện.

"Bữa cơm 2.000 đồng này đã giúp tôi vơi bớt khó khăn. Tôi mong quán ăn sẽ duy trì để giúp cho nhiều bệnh nhân và người nhà có những bữa trưa no bụng, đủ dinh dưỡng", ông Thanh cho biết.

Nữ chủ quán cơm từ thiện giải thích về thùng quyên góp 2.000 đồng - 4

Bữa cơm trưa 0 đồng của câu lạc bộ thiện nguyện GEM được tổ chức từ thứ 2 đến thứ 7 (Ảnh: Chí Anh).

Tương tự, câu lạc bộ thiện nguyện Hệ thống Y tế GEM (phường Phù Đổng, thành phố Pleiku) mỗi ngày đều phát khoảng 200 ổ bánh mì tới các bệnh nhân đến khám, điều trị. Ngoài ra, câu lạc bộ này còn đặt 30-40 suất cơm, có ngày lên 60 suất để hỗ trợ những người ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đến khám và ở qua trưa.

Hoạt động này đã duy trì hơn 4 năm, giúp đỡ hàng nghìn lượt bệnh nhân đến thăm khám.

Ông Nguyễn Hoàng Bảo, đại diện quỹ từ thiện, thuộc hệ Y tế Gem cho biết: "Số tiền để duy trì hoạt động trên là do sự đóng góp của các bác sĩ, nhân viên y tế trong hệ thống. Từ nguồn quỹ này, câu lạc bộ chi 20 triệu đồng/mỗi tháng mua các suất ăn miễn phí phục vụ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Nữ chủ quán cơm từ thiện giải thích về thùng quyên góp 2.000 đồng - 5

Mỗi tuần, Câu lạc bộ thiện nguyên GEM thường phát cơm cho bệnh nhân (Ảnh: Chí Anh).

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Pleiku còn nhiều nhóm từ thiện thường phát cháo, cơm cho bệnh nhân. Hoạt động thiện nguyện đã góp phần tiếp sức cho người nhà và bệnh nhân vơi bớt khó khăn, yên tâm điều trị. 

Ông Đỗ Trung Hùng, Chủ tịch UBND phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, cho biết: "Chính quyền luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để hoạt động từ thiện được triển khai thuận tiện và bài bản hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn hướng dẫn các cơ sở trên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu bếp cần đăng ký tập huấn để có chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm".