Trải nghiệm quán cơm "âm phủ" An Giang, chỉ mở cửa nửa đêm đến rạng sáng
(Dân trí) - Đến An Giang du lịch, anh Hoài Nhân (SN 1996, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) tìm đến quán cơm tấm đặc biệt, chỉ mở cửa vào nửa đêm.
"Khó có thể tưởng tượng được cảnh người người tấp nập đi ăn cơm tấm lúc nửa đêm. Một trải nghiệm thú vị", anh Hoài Nhân nói về cảm giác của mình.
Trong chuyến du lịch TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) cuối tháng 6/2023, anh được người địa phương giới thiệu quán "cơm tấm âm phủ" nằm gần khu vực cầu Hoàng Diệu.
Sở dĩ quán có cái tên đặc biệt này là do giờ mở cửa khá "độc lạ" từ 2h đến khoảng 5h30 sáng.
Theo tìm hiểu, quán cơm đa phần phục vụ dân lao động tại các khu chợ đầu mối. Đây là khung giờ họ làm việc để chuyển nông sản về các khu chợ nhỏ. Vì thế, quán cơm luôn tấp nập khách lao động ghé ăn, giá từ 15.000-20.000 đồng/đĩa.
Để thưởng thức cơm tấm "âm phủ", anh Hoài Nhân đã phải đặt báo thức lúc 2h sáng. Thời điểm này, đường phố vắng lặng, các cửa hàng đóng cửa yên ắng, duy chỉ có quán cơm nằm nép mình ở đường Lê Văn Nhung, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên sáng đèn.
Anh Nhân cho biết, cơm tấm là đặc sản nổi bật của Long Xuyên. Khác với cơm tấm Sài Gòn, cơm tấm ở đây được làm từ hạt tấm tơi ăn kèm với trứng kho, thịt khìa... thái nhuyễn. Bên trên cơm tấm được tô điểm chút mỡ hành, dưa chua, đặt cạnh chén nước mắm có vị ngọt đặc trưng.
Cơm tấm "âm phủ" cũng mang phong cách chế biến này. Trong tủ kính, bà chủ sắp xếp hàng chục trứng gà đẹp mắt, cạnh bên là thau bì, thịt khìa thái sợi... Quán không có bàn để ăn, khách đến thường ngồi trên ghế nhựa, cầm đĩa thức ăn trên tay.
Không biển hiệu, không quảng cáo rầm rộ, quán ăn này đã tồn tại hơn 40 năm, truyền qua hai thế hệ. Chủ quán là cụ bà hơn 70 tuổi. Khách đến, bà thoăn thoắt xới nồi cơm nóng hổi, đặt vào đó trứng kho, bì heo, thêm chút rau dưa đẹp mắt.
Dù quán bình dân, cụ bà vẫn sắp xếp dao, thớt rất ngăn nắp. Khách đến bà mới bắt đầu xắt nguyên liệu, thao tác rất nhanh tay và không để họ phải đợi lâu.
Anh Nhân mô tả, món cơm tấm "âm phủ" có hương vị rất ấn tượng, cơm tấm tơi mềm, chút béo bùi của trứng gà, thịt mằn mặn, nước mắm chua ngọt theo kiểu miền Tây.
Theo anh quan sát, khách đến quán chủ yếu là người bốc vác ở chợ đầu mối. Vì thế, cụ bà thường bán cơm thêm với giá 2.000 đồng/phần. "Chủ quán kể rằng bà đã chứng kiến bao nhiêu người vô gia cư không có cơm ăn. Bà đã dặn dò con cháu rằng, sau này có tiếp nối bán thì phải giữ giá rẻ để họ được no bụng", anh kể.
Quán cơm tấp nập việc mua bán đến khi mặt trời ló rạng. Đối với anh Nhân, việc được thưởng thức món ăn lúc nửa đêm là trải nghiệm ấn tượng nhất trong chuyến du lịch.