1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nỗ lực thực hiện an sinh xã hội giữa "bão" Covid-19

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Trong năm 2021, ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt "mục tiêu kép" về phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế, đồng thời duy trì hiệu quả nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội…

ùaDND_thainguyen.jpeg

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm và tặng quà gia đình chính sách tại Thái Nguyên vào tháng 7/2021 (Ảnh: Giáp Tống).

2021 đánh dấu năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn...

Cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hỗ trợ 42,8 triệu lượt đối tượng gặp khó do Covid-19

Với phương châm tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện "mục tiêu kép" với ưu tiên hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh không để đứt gãy, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn, phục hồi thị trường lao động, giải quyết việc làm.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, có chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như: Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.

Nỗ lực thực hiện an sinh xã hội giữa bão Covid-19 - 2

Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH giám sát công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn tại TPHCM (Ảnh: Xuân Hinh).

Về thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu về lao động, người có công và xã hội được Quốc hội giao thành 18 chỉ tiêu, 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 73 nhiệm vụ cụ thể, phân công cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện...

Thống kê tới nay cho thấy, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP toàn quốc là trên 35,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến nay đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền hỗ trợ trên 30,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu "túi an sinh" để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực, kịp thời, ý nghĩa và tạo được niềm tin sâu rộng trong nhân dân.

Thu hút người lao động trở lại làm việc

Trước những tác động to lớn của đại dịch Covid-19, việc làm và thu nhập của lao động bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo Tổng cục thống kê, năm 2021, dịch Covid-19 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là giảm 800,8 nghìn người so với năm trước. Số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm... 

Trước tình hình đó, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc, như: Hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời...

Nỗ lực thực hiện an sinh xã hội giữa bão Covid-19 - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) tới tìm hiểu công tác vay vốn trả lương từ Nghị quyết 68/NQ-CP tại một doanh nghiệp vận tải ở Thái Nguyên (Ảnh: Giáp Tống).

Bộ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.

Đồng thời tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; củng cố thị trường lao động ở những địa bàn chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có giải pháp khôi phục, phục hồi thị trường lao động ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chỉ đạo thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%.

Trong công tác điều hành, Bộ thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các địa phương kinh tế trọng điểm về các giải pháp tháo gỡ, phục hồi và phát triển thị trường lao động.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến"; có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ việc làm cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương...

Trong quý 4/2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý 3/2021.

Nỗ lực thực hiện an sinh xã hội giữa bão Covid-19 - 4

Tình hình việc làm có dấu hiệu khôi phục ở cuối quý 4/2021 (Ảnh: Hải Long).

Công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 do nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động. Ước thực hiện cả năm đưa khoảng 45 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh, ước tính số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 16,578 triệu người, chiếm trên 36% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,97% lực lượng lao động trong độ tuổi. Kết quả này đã vượt chỉ tiêu so với mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW gần 2%...

Đảm bảo tốt các nhiệm vụ về an sinh xã hội

Năm 2021, Bộ đã triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, tập trung lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Qua đó, đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được cải thiện, nâng cao hơn.

Trong công tác trẻ em, Bộ đã triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; xây dựng môi trường sống an toàn để trẻ em được phát triển toàn diện; kịp thời phối hợp, chỉ đạo, triển khai việc ứng phó, giảm thiểu tác động đại dịch Covid-19 đến trẻ em. Chủ động, tích cực hướng dẫn, phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết các vấn đề, vụ việc về bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm xuống còn 6,9%; duy trì 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Về công tác giảm nghèo, tới cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%...