Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động
(Dân trí) - Không chỉ trăn trở với công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng luôn đau đáu và quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong đại dịch Covid-19.
"Thêm cơ chế đặc thù, Thanh Hóa sẽ có sức bật mới"
Sáng 19/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu thuộc Tổ đại biểu số 3, Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa đã có buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV với các cử tri tại Thanh Hóa.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri tại các địa phương, thay mặt các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước thành công của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ trưởng, đây là kỳ họp rất đặc biệt, quyết định rất nhiều nội dung nhưng cũng là một kỳ họp có nhiều đổi mới, từ cách tổ chức, vận hành trong điều hành và tổ chức các hoạt động, mặc dù họp trực tuyến nhưng hiệu quả rất cao. Bộ trưởng đánh giá là một kỳ Quốc hội mà có nhiều đại biểu được phát biểu ý kiến ở các góc độ khác nhau; tinh thần tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm và cũng là một dịp thử nghiệm mô hình hoạt động của Quốc hội trong điều kiện có dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng, trong điều kiện như thế nhưng các nội dung quyết sách của Quốc hội đều đạt yêu cầu và với một chất lượng rất cao. Điều rất đáng mừng, ngoài việc Quốc hội quyết định thông qua 2 luật, còn cho ý kiến về 5 luật khác nhau. Đây cũng là Kỳ họp có nhiều Nghị quyết chuyên đề nhất với 12 Nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết có tính chất đặc thù. Bên cạnh đó là quyết định các việc giám sát tối cao.
"Trong điều kiện dịch bệnh, với một áp lực rất lớn, yêu cầu rất cao, chúng ta đã thực hiện một phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất công khai, rất dân chủ, rất minh bạch và thẳng thắn, chất lượng cao, kể cả người hỏi lẫn người được chất vấn. Thủ tướng Chính phủ và 4 Bộ trưởng rất thẳng thắn, chân thành và với một thái độ nghiêm túc, cầu thị", Bộ trưởng đánh giá.
Theo Bộ trưởng, phiên họp có nhiều lợi thế đối với Thanh Hóa. Đặc biệt là Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thanh Hóa. Đây có thể là những cơ chế thể hiện vấn đề cốt lõi, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Như cơ chế mang tính chất đột phá, đặc thù, riêng biệt như thuế, chưa từng có trong lịch sử hay việc được quyết định trong vấn đề sử dụng đất đai, chính sách cán bộ…
"Tôi là những người đầu tiên biểu quyết cho Thanh Hóa với tư cách là con dân của Thanh Hóa trong thành viên Chính phủ, tôi cũng rất phấn khởi. Nhưng cái mừng ở đây là tỉnh Thanh Hóa chủ động từ đầu. Thanh Hóa có tới 8 cơ chế, toàn cơ chế vượt trội, rõ ràng Thanh Hóa có những đặc thù, có tiềm năng, có thế lực để tạo điều kiện phát triển. Vấn đề tạo ra cơ chế đặc thù để vượt trội, để rồi chúng ta tổng kết, rút kinh nghiệm trên quy mô cả nước", Bộ trưởng đánh giá.
Để có được những kết quả nêu trên, theo Bộ trưởng, đoàn ĐBQH Thanh Hóa hoạt động rất hăng hái, nhiệt huyết, chất lượng. Và ông cũng tin tưởng, nếu làm tốt và thêm cơ chế đặc thù, Thanh Hóa sẽ có sức bật mới.
"Đòn bẩy" của những chính sách lớn
Nhắc đến dịch bệnh Covid-19, là một trong những thành viên Chính phủ cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi kiểm tra tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh…, theo Bộ trưởng, dịch bệnh rất khốc liệt, "càn quét" tại những khu vực đô thị với hàng chục triệu người, những khu công nghiệp lớn nhất của cả nước với hàng triệu công nhân…
Trước tình hình đó, việc giãn cách xã hội là một quyết định rất táo bạo, một quyết định chưa có tiền lệ, một quyết định có tính chất lịch sử, được Chính phủ bàn đi, bàn lại. Chính phủ đã tăng cường quân đội, công an để giữ gìn an ninh trật tự, lo an sinh cho người dân.
Về phía Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu Chính phủ thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội. Nổi bật trong đó là Nghị quyết số 68 và 116 của Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ người dân, "tiếp sức" cho người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19…
Trong cuộc chiến khốc liệt, nan giải này, theo Bộ trưởng, chúng ta đã thành công, chuyển sang một trạng thái bình thường mới trên cơ sở đã kiểm soát được về cơ bản dịch bệnh nhưng mất mát cũng lớn.
Theo Bộ trưởng, trong hoàn cảnh đó, việc duy trì được tăng trưởng là điều rất mừng. Từ 1/10 đến nay, sau khi chuyển sang trạng thái mới, tình hình hoạt động chung trên cả nước dần ổn định trở lại. Hiện các khu công nghiệp 90% đã hoạt động trở lại, nhiều nơi đã 100%; lực lượng lao động bị gián đoạn chưa đến mức đứt gãy, chỉ đình trệ từng bộ phận nhưng đến nay đã hồi phục dần trở lại.
"Bản thân tôi đã phải tính đến phương án xấu nhất là điều tiết khoảng 200 ngàn lực lượng lao động. Đó là sinh viên các trường nghề, lực lượng lao động từ bộ đội, thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an ra quân sớm hơn, có thể đào tạo một thời gian rất ngắn để sử dụng. Nhưng may chưa phải sử dụng biện pháp mạnh như thế, điều này rất mừng", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng tin tưởng, từ nay đến hết quý I/2022, nếu duy trì kiểm soát dịch như hiện nay thì chắc chắn tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều, sẽ trở lại trạng thái bình thường.