1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ninh Bình:

Nỗ lực để người khuyết tật "không bị bỏ lại phía sau"

Thái Bá

(Dân trí) - Toàn tỉnh Ninh Bình có 2,6% dân số là người khuyết tật, những năm qua tỉnh đã không ngừng nỗ lực triển khai các chính sách để người khuyết tật đảm bảo an sinh, giảm nghèo, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 25.950 người khuyết tật, chiếm 2,6% dân số, trong đó tập trung nhiều vào nhóm khuyết tật vận động (43,6%), khuyết tật thần kinh (17,4%), khuyết tật trí tuệ (14,3%), khuyết tật nghe nhìn (10,8%). Đa phần là nhóm người từ 16 đến 60 tuổi (54,5%).

Nỗ lực để người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau - 1

Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 25.950 người khuyết tật, chiếm 2,6% dân số.

Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Ninh Bình cho biết, nhìn chung đời sống của người khuyết tật còn gặp rất khó khăn do bệnh tật, sức khỏe kém hoặc không có khả năng lao động, khó tìm được việc làm phù hợp, thu nhập bấp bênh...

Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020), những năm qua tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chính sách, cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng địa phương và đối tượng cụ thể để tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và giảm nghèo, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 2012 đến nay đã có 547 người khuyết tật được đào tạo nghề, trong đó 426 người tìm được việc làm. Nhờ đó, số hội viên được học nghề, duy trì việc làm tăng lên với mức thu nhập trung bình đạt 2 triệu đồng/tháng… Toàn tỉnh hiện có khoảng 40 mô hình tự tạo việc làm của người khuyết tật, giúp giải quyết việc làm cho người đồng cảnh và tạo cơ hội việc làm cho các thành viên trong gia đình, lao động địa phương.

Nỗ lực để người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau - 2

Người khuyết tật tại Ninh Bình được tham gia học nghề để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Ninh Bình chia sẻ thêm, thông qua Đề án đã có nhiều người khuyết tật trên địa bàn được rà soát để có hướng trợ giúp kịp thời, góp phần cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, được học nghề, tạo việc làm là một trong những biện pháp quan trọng giúp người khuyết tật xóa đói, giảm nghèo, đồng thời mở ra hy vọng về một cuộc sống ổn định, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh dạy nghề, tạo việc làm, tỉnh Ninh Bình đã triển khai các chính sách tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo.

Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội), tỉnh Ninh Bình cũng đã điều chỉnh đối tượng trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật. Qua đó đã điều chỉnh trợ cấp nuôi dưỡng cho gần 500 đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho 21.770 người khuyết tật.

Nỗ lực để người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau - 3

Các cấp, các ngành ở Ninh Bình luôn chung tay nỗ lực không ngừng để giúp đỡ người khuyết tật, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030), UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nỗ lực không ngừng để người khuyết tật "không bị bỏ lại phía sau".