Hàng trăm đơn vị hành chính sự nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Thống kê của ngành Bảo hiểm xã hội cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 359 đơn vị khối hành chính sự nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hàng tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa về tình hình chậm đóng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) quý IV/2022, trong số 3.383 mã đơn vị nợ, có nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp.
Tính đến hết ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3.383 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền nợ là hơn 466 tỷ đồng. Khối doanh nghiệp có 3.024 đơn vị nợ hơn 439 tỷ đồng.
Trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 359 đơn vị khối hành chính sự nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền gần 7,5 tỷ đồng. Trong đó 352 đơn vị nợ dưới 3 tháng với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng; 7 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ gần 4 tỷ đồng.
Một số đơn vị hành chính sự nghiệp nợ số tiền lớn, thời gian kéo dài như: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa nợ 25 tháng, với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng; Đoàn quy hoạch và thiết kế Thủy lợi Thanh Hóa nợ 4 tháng với số tiền 136 triệu đồng; Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa nợ 12 tháng với số tiền 317 triệu đồng; Đội đảm bảo giao thông Triệu Sơn nợ 19 tháng với số tiền 500 triệu đồng; Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố Thanh Hóa nợ 5 tháng với số tiền 290 triệu đồng; Ban quản lý Cảng cá Lạch Bạng nợ 6 tháng với số tiền 96 triệu đồng...
Tại địa bàn thành phố Thanh Hóa có 81 đơn vị, với số tiền nợ hơn 4,6 tỷ đồng, trong đó 77 đơn vị hành chính sự nghiệp nợ dưới 3 tháng với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; 4 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ gần 3,4 tỷ đồng.
Để hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, năm 2023 BHXH tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp các ban, sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vướng mắc hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh đối với người lao động và người sử dụng lao động.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT…