Ninh Bình: Hơn 700 công nhân bị cách ly được doanh nghiệp trả lương

Thái Bá

(Dân trí) - Tỉnh Ninh Bình có 819 công nhân tại 62 doanh nghiệp phải thực hiện cách ly phòng dịch Covid-19. Trong đó, có 713 công nhân đã được 41 doanh nghiệp chi trả lương để đảm bảo cuộc sống.

Ngày 18/5, ông Trần Kim Long, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cho biết, tính đến trung tuần tháng 5, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 62 doanh nghiệp (DN) với tổng số 819 công nhân lao động (CNLĐ) phải thực hiện cách ly để phòng dịch Covid-19.

Ninh Bình: Hơn 700 công nhân bị cách ly được doanh nghiệp trả lương - 1

Công nhân đến làm việc tại các công ty ở Ninh Bình được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế đầy đủ để phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó, có 62 CNLĐ phải thực hiện cách ly tập trung và 658 CNLĐ phải thực hiện cách ly tại nhà và tại cơ sở lưu trú. Trong tổng số những lao động bị cách ly này, có 713 người đã được 41 doanh nghiệp chi trả lương để đảm bảo cuộc sống.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, hầu hết doanh nghiệp đều thực hiện trả lương cho CNLĐ theo mức lương tối thiểu vùng. Mức cao nhất doanh nghiệp trả là 70% tháng lương thực lĩnh; mức thấp nhất là 50% lương tối thiểu vùng.

Theo ông Trần Kim Long, thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Ninh Bình và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Ninh Bình đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cấp công đoàn (CĐ), đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Công nhân phòng dịch Covid-19.jpeg

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, công nhân, người lao động tại tỉnh vẫn làm việc bình thường và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt là tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, nhất là đoàn viên và người lao động trong các khu, cụm công nghiệp yên tâm sản xuất, thực hiện nghiêm quy định 5K.

Đồng thời, hướng dẫn các cấp công đoàn nhất là công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp, hạn chế và hoãn tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người. Chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Xây dựng phương án xử lý tình huống nếu dịch bệnh xảy ra tại doanh nghiệp.

Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải thường xuyên, kịp thời nắm tình hình đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và quan hệ lao động thuộc địa bàn quản lý, nhất là tình hình đoàn viên, CNVCLĐ phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ sở y tế và tình hình thực hiện việc trả lương cho đoàn viên, người lao động thực hiện cách ly.