Ninh Bình đạt chỉ tiêu giảm nghèo dù dịch Covid-19 hoành hành
(Dân trí) - Hỗ trợ người nghèo là một chính sách nhân văn, được tỉnh Ninh Bình quan tâm thực hiện xuyên suốt. Tỉnh hết sức thận trọng trong công tác rà soát hộ nghèo, không vì áp lực chỉ tiêu mà bỏ sót đối tượng.
Ngày 19/11, Đoàn kiểm tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình về công tác giảm nghèo năm 2021.
Theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh vừa tập trung nhiều nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Nhà nước và chính sách đặc thù của tỉnh.
Ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết, hỗ trợ người nghèo là một chính sách nhân văn, được tỉnh quan tâm thực hiện xuyên suốt. Ở mỗi giai đoạn, tỉnh sẽ xây dựng một Nghị quyết về giảm nghèo bền vững, trong đó có ban hành các chính sách giảm nghèo đặc thù.
Năm 2021, tỉnh Ninh Bình cơ bản đạt chỉ tiêu giảm nghèo đã đề ra. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm là 1,87%, hộ cận nghèo là 3,15%. Qua triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đến nay, kết quả sơ bộ giảm còn 1,65% hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 2,45%.
Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 08/01/2021). Các địa phương trong tỉnh cũng đang thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là đã huy động được sự vào cuộc rất tích cực của cả hệ thống chính trị. Tỉnh không những thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo theo quy định, tỉnh Ninh Bình còn ban hành một số chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho người nghèo vươn lên.
Cụ thể như: Hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển sản xuất; tín dụng ưu đãi cho vay học nghề, tạo việc làm, du học nghề và xuất khẩu lao động; hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế; hỗ trợ toàn bộ kinh phí đón công dân từ phía Nam trở về; hỗ trợ công dân tỉnh ngoài khi về qua địa phận tỉnh.
"Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng việc thực hiện các chỉ tiêu về giảm nghèo của tỉnh Ninh Bình vẫn đạt được mục tiêu đề ra" - Thứ trưởng Bộ Lao động nhấn mạnh.
Đối với công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo, xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2021 - 2025 đã được tỉnh Ninh Bình thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình, thủ tục…
Để nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn mới, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục sát sao, linh hoạt trong công tác rà soát, xác định hộ nghèo để hộ thực sự nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ, được chia sẻ thành quả phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh việc xác định được hộ nghèo, các địa phương cần nắm được hoàn cảnh của từng hộ nghèo để có phương pháp hỗ trợ hiệu quả. Hiện nay, số lượng hộ nghèo của tỉnh không còn nhiều. Vì vậy, tỉnh cần chủ động nghiên cứu chuẩn nghèo riêng để có chính sách hỗ trợ riêng phù hợp, từ đó nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn.
Việc giám sát thực hiện các chế độ, chính sách cho người nghèo cũng cần được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, Tết Nguyên đán đang tới gần, tỉnh Ninh Bình cần chủ động dành nguồn lực để quan tâm, chăm lo tết cho hộ người có công, hộ nghèo, cận nghèo, phấn đấu để không có ai bị bỏ lại phía sau.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, tỉnh Ninh Bình sẽ hết sức thận trọng trong công tác rà soát hộ nghèo, không vì áp lực chỉ tiêu để bỏ sót đối tượng. Tiếp thu ý kiến của đoàn kiểm tra Bộ LĐ-TB&XH, tỉnh sẽ đưa vào phương hướng triển khai trong thời gian tới.
Ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm trình Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương căn cứ ban hành Kế hoạch, tổ chức thực hiện; Nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh bộ công cụ chấm điểm xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực đồng bằng sông Hồng phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong giai đoạn 2022 - 2025.