Ninh Bình: Bố trí cho người ăn xin, trẻ em lang thang có nơi đón Tết 2022

Thái Bá

(Dân trí) - Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình sẽ thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý người ăn xin, trẻ em lang thang, qua đó đề nghị các địa phương đưa về gia đình hoặc cơ sở bảo trợ xã hội trong dịp lễ, Tết năm 2022.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình vừa ban hành kế hoạch tổ chức vận động, tập trung, xử lý người ăn xin, người tâm thần, lang thang trong các dịp lễ, tết, ngày sự kiện diễn ra trong năm 2022.

Theo kế hoạch, các ngành chức năng, địa phương tỉnh Ninh Bình sẽ vận động, đưa người ăn xin, người tâm thần lang thang, trẻ em lang thang về với gia đình hoặc vào quản lý, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị và môi trường du lịch văn minh, thân thiện trong các dịp lễ, Tết, ngày sự kiện trong năm 2022.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp xã, lồng ghép vào các nội dung chương trình tuyên truyền vận động khác; Tổ chức tuyên truyền vận động trực tiếp đến người lang thang, người ăn xin và gia đình để họ tự nguyện trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng;

Ninh Bình: Bố trí cho người ăn xin, trẻ em lang thang có nơi đón Tết 2022 - 1

Tỉnh Ninh Bình sẽ quản lý người ăn xin, trẻ em lang thang và đưa về gia đình, địa phương, cơ sở bảo trợ xã hội những ngày lễ, Tết, sự kiện diễn ra trong năm 2022 (Ảnh: Suckhoedoisong.vn).

Xây dựng các biển cấm người lang thang, ăn xin và hướng dẫn khách du lịch không cho tiền người xin ăn tại các điểm du lịch, đền, chùa, lễ hội...., UBND các huyện, thành phố (sau gọi chung là cấp huyện) có trách nhiệm chỉ đạo phòng, ban liên quan, UBND cấp xã, phường, thị trấn (sau gọi chung là cấp xã) tập trung, xử lý các đối tượng. Cụ thể:

Đối với người ăn xin, trẻ lang thang có nơi cư trú trên địa bàn tỉnh: Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đề nghị UBND cấp xã nơi đối tượng cư trú có trách nhiệm quản lý, giáo dục tại địa phương, có cam kết quản lý tại gia đình, nắm rõ hoàn cảnh đối tượng để tổ chức trợ giúp xã hội tại cộng đồng theo đúng quy định. Đối với đối tượng có nơi cư trú thuộc địa bàn khác trong tỉnh thì UBND cấp huyện chỉ đạo liên hệ với địa phương nơi đối tượng cư trú để địa phương đó tiếp nhận, quản lý.

Đối với người ăn xin đã có biện pháp quản lý, giáo dục tại địa phương nhưng vi phạm nhiều lần và vẫn tiếp tục ăn xin: UBND cấp huyện chỉ đạo hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ đưa vào quản lý nuôi dưỡng tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội. Đối với người biết rõ nơi cư trú ngoài tỉnh, UBND cấp huyện chỉ đạo liên hệ với gia đình, địa phương nơi đối tượng cư trú để đưa, bàn giao về gia đình, địa phương đó quản lý. Đối với người không biết rõ nơi cư trú, UBND cấp huyện chỉ đạo hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đưa vào quản lý nuôi dưỡng tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội.

Đối với người tâm thần lang thang: Đối với người biết rõ nơi cư trú, khai thác được thông tin đối tượng, UBND cấp huyện chỉ đạo liên hệ với gia đình, địa phương nơi đối tượng cư trú để đưa, bàn giao về gia đình, địa phương đó quản lý; quán triệt gia đình quản lý chặt chẽ và đưa đối tượng đi điều trị tại các cơ sở y tế.

Đối với người không biết rõ nơi cư trú thì UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng ban liên quan hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ và test covid-19 đảm bảo đúng quy định trước khi đưa vào quản lý nuôi dưỡng tạm thời tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan đối với huyện Nho Quan, Gia Viễn; Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần đối với huyện, thành phố còn lại.

Đối với đối tượng lợi dụng người già, trẻ em, người khuyết tật để tổ chức ăn xin thu lợi bất chính: Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND cấp xã phát hiện kịp thời những đối tượng lợi dụng người già, trẻ em, người khuyết tật để tổ chức ăn xin thu lợi bất chính và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình sẽ thành lập đoàn và tổ chức đi kiểm tra công tác thu dung đối tượng, phát hiện và đề nghị địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đưa người ăn xin, người tâm thần lang thang về với gia đình, địa phương hoặc vào cơ sở bảo trợ xã hội.