Những vụ ngừng việc tập thể: Lương thấp, Covid-19 công nhân càng khó sống
(Dân trí) - "Một nguyên nhân chính là nội quy của doanh nghiệp chưa phù hợp, chủ yếu là có lợi cho doanh nghiệp, gây bức xúc cho người lao động", ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.
Liên quan vụ ngừng việc tập thể của hàng ngàn lao động tại 2 doanh nghiệp có vốn FDI là Công ty TNHH Viet Glory ở Nghệ An và Công ty TNHH Vienergy ở Ninh Bình trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, PV Dân trí trao đổi với Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Phan Văn Anh về các vấn đề đã bộc lộ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định thế nào về hiện tượng hàng ngàn công nhân ở các doanh nghiệp FDI ngừng việc tập thể những ngày qua?
- Từ khi các cuộc ngừng việc tập thể nêu trên diễn ra tới nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nắm rất sát sao sự việc và đã có văn bản chỉ đạo với các cấp công đoàn địa phương. Đồng thời, Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng thường xuyên có liên lạc bằng điện thoại với công đoàn cơ sở để nắm bắt và xử lý tình hình.
Tới thời điểm này, những vướng mắc ở 2 doanh nghiệp tại Ninh Bình và Nghệ An về cơ bản đã được xử lý xong và 100% người lao động đã đi làm trở lại. Tại Công ty TNHH Viet Glory Nghệ An, 11 yêu cầu của người lao động trong thương lượng đã được chủ sử dụng lao động chấp thuận. Với Công ty TNHH Vienergy Ninh Bình, chính quyền địa phương, LĐLĐ tỉnh và công đoàn cấp trên cơ sở đã cùng trao đổi và tìm được tiếng nói chung với chủ sử dụng lao động.
Với sự vào cuộc của công đoàn và chính quyền, tình hình đã ổn định và người lao động đã đi làm trở lại.
Phía công đoàn, cơ quan đại diện cho người lao động xác định nguyên nhân nào khiến hàng ngàn công nhân ở các doanh nghiệp trên ngừng việc tập thể như vậy, thưa ông?
- Tìm hiểu qua 2 sự kiện trên, chúng tôi thấy nổi lên rõ nhất là việc nội quy, quy định của doanh nghiệp còn chưa phù hợp, gây bức xúc cho người lao động. Các quy định nội bộ được xây dựng chủ yếu là có lợi cho doanh nghiệp.
Đơn cử như quy định phụ cấp thâm niên đã được Viet Glory Nghệ An đề cập nhưng mức quá thấp. Về tiền lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp đã trả trên mức sàn tiền lương nhưng chỉ dừng ở mức hơn 3 triệu đồng/tháng. Dù thời điểm này, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do Covid-19 gây ra nhưng tác động tới người lao động còn lớn hơn. Đời sống công nhân vốn đã rất khó khăn, nay do Covid-19 càng khó có thể xoay sở để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu với mức lương thấp như vậy.
Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp độc hại mà doanh nghiệp ban hành thấp hơn quy định. Chế độ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP còn vướng mắc về thủ tục thực hiện từ phía chủ doanh nghiệp. Trong điều hành, doanh nghiệp yêu cầu người lao động đi làm sớm 10 phút nhưng chưa bổ sung lương cho thời gian làm thêm đó. Trong quan hệ lao động, nhiều cán bộ quản lý người nước ngoài trong doanh nghiệp còn có thái độ và lời nói gây bức xúc cho người lao động.
Qua câu chuyện ngừng việc của hàng ngàn công nhân diễn ra ở Ninh Bình và Nghệ An ngay sau Tết, Tổng LĐLĐ Việt Nam có những khuyến nghị gì, thưa ông?
- Tôi phải khẳng định rằng, chính quyền, người sử dụng lao động và người lao động không ai mong muốn diễn ra tình trạng ngừng việc tập thể bởi việc này gây thiệt hại cho nhiều phía. Muốn tránh được việc này, chúng ta cần chủ động thương lượng tìm hiểu và cùng giải quyết những mâu thuẫn, xung đột.
Đứng về phía công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã và đang tiếp tục chỉ đạo công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở cần nắm sát tâm tư, đời sống của công nhân lao động sau Tết. Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn chủ động thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động, tránh để xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể như vừa qua ở Ninh Bình và Nghệ An, khi đó các bên đều thiệt thòi.
Trên cơ sở sự vào cuộc của công đoàn cơ sở, chúng ta cần chủ động đưa vào các nội dung quan trọng thỏa ước lao động tập thể. Qua đó, công đoàn cơ sở cần bám sát và yêu cầu chủ sử dụng lao động, đoàn viên công đoàn và người lao tuân thủ thỏa ước lao động đã ký kết để thực hiện. Mong muốn lớn nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là giải quyết hài hòa lợi ích của các bên để cùng phát triển.
Xin cảm ơn ông!
"Ngay từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có chỉ đạo các cấp công đoàn quan tâm, động viên người lao động đồng hành với doanh nghiệp, như: Động viên người lao động có quê xa ở lại ăn Tết và làm việc, sớm cùng với doanh nghiệp tham gia sản xuất để qua đó có việc làm và thu nhập. Qua tìm hiểu, đa số các doanh nghiệp hiện đã đi vào sản xuất và người lao động về cơ bản đã quay trở lại làm việc…", ông Phan Văn Anh cho biết.