Những vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em và hiểm họa từ ao nhà
(Dân trí) - Ở nhiều vùng quê, các gia đình thường đào ao trong vườn để nuôi cá nhưng việc kiểm soát rủi ro ít được chú trọng. Đã có những vụ đuối nước thương tâm xảy ra với trẻ em.
Trẻ nhỏ đuối nước thương tâm ở ao cá
Đã hơn 2 tháng trôi qua, nhưng mỗi lần nhìn di ảnh của đứa cháu ngoại xấu số, ông Cao Đình Miền (trú tại thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) không cầm được nước mắt.
Ngày 26/7, cháu ngoại của ông Miền là Cao A.Q. (SN 2011), trong lúc người lớn đi làm vắng, đã tự ra vườn chơi và không may rơi xuống ao cá của gia đình, bị đuối nước, tử vong. Cái chết oan uổng của cháu bé để lại nỗi đau và sự hối hận khôn nguôi của người lớn khi không quản lý chặt con trẻ.
Vụ tai nạn của cháu Q. không phải là hi hữu. Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, trên địa bàn huyện Minh Hóa liên tiếp xảy ra 2 vụ trẻ đuối nước thương tâm khác, đều là tai nạn tại ao cá của các hộ gia đình.
Cụ thể, ngày 7/8, vợ chồng anh Đinh Văn Lương, chị Đinh Thị Luyến ở thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa đau đớn khi cậu con trai mới tròn 10 tuổi bị đuối nước ở ao cá hàng xóm. Mới đây nhất, ngày 12/9, tại thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp, ao cá của gia đình cũng đã cướp đi sinh mạng của cháu Đinh T.K. (SN 2017).
"Hôm đó, trời vừa tạnh mưa nên vợ tôi tranh thủ lên rừng hái nấm tràm, tôi ở nhà chơi với con. Chỉ trong một tích tắc không để ý, con trai chúng tôi đã bị đuối nước ngay tại ao cá của gia đình. Nhà có con nhỏ nhưng tôi đã chủ quan không rào chắn gì ở ao cá nên mới xảy ra chuyện", anh Đinh Thanh Chung, bố cháu K. day dứt kể.
Không chỉ tại huyện miền núi Minh Hóa, tại nhiều địa phương khác ở Quảng Bình, thời gian qua cũng liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em bị đuối nước, nguyên nhân đều do rơi xuống ao nuôi cá. Có những vụ tai nạn khủng khiếp, cướp đi cùng lúc sinh mạng của 3 đứa trẻ.
Đó là vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy. 3 cháu nhỏ là N.T.P.H. (SN 2016), N.V.H. (SN 2017) và Đ.N.M.Q. (SN 2017), trong thời gian được nghỉ học đã về nhà ông ngoại chơi. Khi ông bà ngoại vắng nhà, 3 cháu cùng nhau ra khu vực hồ cá sau nhà chơi và không may rơi xuống. Khi người lớn phát hiện sự việc, cả 3 cháu đều đã tử vong.
Hồi chuông cảnh tỉnh phụ huynh
Những ao cá trong vườn nhà đã cướp đi sinh mạng của các em nhỏ nói trên hầu hết đều không có hàng rào bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ. Thực tế này gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi chính quyền các xã, thị trấn và đặc biệt là các hộ gia đình cần ngay lập tức tuyên truyền, nhắc nhở, thực hiện việc rào chắn ao nuôi cá, bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ, tránh nguy cơ xảy ra những sự việc đáng tiếc.
"Thời gian qua, trên địa bàn xã đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Để đề phòng tai nạn đuối nước, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền; rà soát những địa điểm ao hồ, khe suối nguy hiểm để cắm biển cấm tắm. Về ao cá của các gia đình, chúng tôi cũng đã vận động bà con nên có rào chắn để bảo đảm an toàn nhưng nhiều gia đình vẫn còn chủ quan", ông Cao Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa cho hay.
Bên cạnh sự thiếu quan tâm, giám sát của người lớn, một nguyên nhân khác dẫn đến tỷ lệ đuối nước cao ở trẻ em xuất phát từ tâm sinh lý lứa tuổi, trẻ nhỏ thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm biển, sông, suối… Trong khi, thực tế, nhiều em chưa biết bơi, thể lực còn yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống cũng như kỹ năng cứu đuối.
Có những vụ đuối nước tập thể xảy ra khi các em tự cứu lẫn nhau. Đây là một thực trạng nhức nhối khi các em chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, thậm chí nhiều em không biết bơi cũng lao ra cứu bạn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Minh Hóa, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, đơn vị đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai các biện pháp về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Trong đó, cơ quan chức năng chủ trương tăng cường truyền thông về phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng; thường xuyên tổ chức lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ; hướng dẫn, vận động các gia đình quan tâm, tăng cường giám sát trẻ em (đặc biệt là trẻ nhỏ) trong mùa mưa lũ…
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình, từ năm 2015 đến 2021, số trẻ em bị tai nạn đuối nước có xu hướng tăng cao. Năm 2015, toàn tỉnh có 17 em tử vong do đuối nước, năm 2016 có 36 em, năm 2017 có 32 em, năm 2018 có 18 em, năm 2019 có 41 em, năm 2020 có 26 em và trong năm 2021, tính đến thời điểm này, đã có trên 20 trẻ nhỏ tử vong vì đuối nước.