Bình Định:

Những người vượt số phận, không làm gánh nặng cho gia đình

Doãn Công

(Dân trí) - Trong số 36 người khuyết tật tiêu biểu tỉnh Bình Định được biểu dương, mỗi người một số phận nhưng chung nghị lực phi thường, biết vượt lên nghịch cảnh để khẳng định vị trí trong xã hội.

Ngày 15/4, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bình Định tổ chức biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ môi và người bảo trợ tiêu biểu lần thứ 7 năm 2022.

Những người vượt số phận, không làm gánh nặng cho gia đình - 1

Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Định trao quà cho 11 trẻ em mồ côi nghị lực vượt khó trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bình Định, trong 5 năm qua, Hội đã vận động sự hỗ trợ của các đơn vị triển khai xây dựng được 56 căn nhà tình thương, giúp người khuyết tật nghèo có nhà ở ổn định; cho vay vốn không lãi suất; tặng xe lăn, xe lắc; thăm hỏi và tặng quà cho hơn 10.000 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi trong các dịp lễ, tết với tổng số tiền 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội phối hợp các tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng sống cho 120 người khuyết tật. Thành lập các nhóm tự lực và tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; dạy văn hóa cho trẻ em khiếm thính, giúp các em vượt qua khó khăn hòa nhập với cuộc sống.

Những người vượt số phận, không làm gánh nặng cho gia đình - 2

Ông Nguyễn Mỹ Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định trao quà tặng những tấm gương nỗ lực vượt khó.

Chia sẻ tại hội nghị, chị Ngô Thị Gái (42 tuổi, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) kể về số phận éo le, khuyết tật bẩm sinh, teo cơ chân không di chuyển được của bản thân. Dù rất cố gắng nhưng cha mẹ cũng chỉ lo được cho chị học đến cấp 2, sau đó gửi chị vào cơ sở bảo trợ xã hội ở TP Quy Nhơn với hy vọng giúp con hòa nhập cộng đồng và để chị học nghề để lo cuộc sống sau này.

Năm 1991, chị Gái lập gia đình và rời trung tâm bảo trợ, về lại quê sinh sống. Cuộc sống của gia đình người khuyết tật ở nông thôn gặp rất nhiều khó khăn.

"Tôi suy nghĩ mình phải tìm một việc gì đó làm để có thêm thu nhập, chia sẻ gánh nặng với chồng, lo cho con ăn học nên xin đi học nghề đan bàn ghế nhựa giả mây. Khi tay nghề thành thạo, tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ ngân hàng để mua một số dụng cụ làm tại nhà. Hiện, nhóm tự lực của tôi có 7 người có việc làm thường xuyên với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng", chị Gái chia sẻ.

Anh Huỳnh Tấn Dũng (38 tuổi, ở thôn Tân Xuân, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, Bình Định) khi sinh ra vốn dĩ bình thường như bao người khác. Nhưng sau một trận sốt, đôi chân anh bị liệt hoàn toàn.

"Ngày còn nhỏ, khi đến trường, bao ánh mắt bạn bè nhìn tôi cười cợt, chế nhạo… Trải qua những ngày tháng đầy áp lực đó, nhiều lúc tôi muốn bỏ học. Được gia đình, thầy cô giáo động viên, tôi cố gắng tiếp tục đến trường", anh Dũng kể lại.

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh Dũng quyết định không thi vào đại học mà chọn học nghề cơ điện vì hoàn cảnh gia đình. "Đó cũng là quãng thời gian khó khăn với tôi, không ai nhận dạy nghề vì tôi là người khuyết tật", anh Dũng bùi ngùi.

Những người vượt số phận, không làm gánh nặng cho gia đình - 3

Bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định chia sẻ những thiệt thòi với người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Song với ý chí, quyết tâm đó, sau hơn 3 năm theo học, khi tay nghề thành thạo và có chút vốn liếng, anh xin thầy về quê mở tiệm riêng, ban đầu cũng khó khăn nhưng rồi mọi việc dần ổn định.

"Tôi nghĩ ông trời không phụ lòng người, ông không triệt đường sống của ai cả, vấn đề là mỗi người phải cố gắng vươn lên, có công mài sắt, có ngày nên kim". Chúng tôi "tàn nhưng không phế", cố gắng phấn đấu, rồi cuộc sống tốt đẹp sẽ mỉm cười với mình", anh Dũng chia sẻ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định ghi nhận những hoạt động cụ thể, thiết thực của Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em. Bà cũng mong muốn, tấm lòng cao quý của những người bảo trợ có mặt tại hội nghị hôm nay cùng tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh sẽ luôn luôn dành tình cảm sâu nặng, sự hỗ trợ giúp đỡ hết lòng đến người khuyết tật và trẻ mồ côi, những người có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Phong Vũ cũng cho biết, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ người khuyết tật có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để sản xuất, kinh doanh.

Dịp này, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bình Định đã tổ chức khen thưởng với 36 người khuyết tật, 11 trẻ em mồ côi tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và 5 đơn vị, nhà bảo trợ tiêu biểu.