Những người đi làm trễ, về nhà sớm vẫn không bị trừ lương
(Dân trí) - Để bảo vệ sức khỏe chị em, Bộ luật Lao động 2019 quy định giảm giờ làm cho lao động nữ trong những thời điểm đặc biệt.
Theo chị Phạm Thị Ánh Ngọc, quản lý nhân sự ở công ty TNHH Nikkiso (quận 7, TPHCM), hiện Luật Bảo hiểm xã hội quy định lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần trong thai kỳ.
Tuy nhiên, nhận thấy trong thai kỳ, phụ nữ mang thai phải đi khám thai hằng tháng, có tháng còn đi khám 2-3 lần nên công ty TNHH Nikkiso quyết định cho lao động nữ mang thai nghỉ việc có hưởng lương thêm 1 ngày mỗi tháng trong 3 tháng cuối của thai kỳ để đi khám thai.
Như vậy, trong thời gian mang thai, lao động nữ ở công ty Nikkiso được nghỉ 8 ngày để đi khám thai mà vẫn được hưởng lương hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Công ty của chị Ngọc đã thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Theo đó, pháp luật khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ đang mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm xã hội (cho nghỉ 5 ngày hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội).
Ngoài việc được nghỉ để đi khám thai trong thai kỳ, điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP còn quy định nhiều đặc quyền khác cho lao động nữ trong thời gian hành kinh và nuôi con nhỏ.
Thứ nhất, lao động nữ đang trong thời gian hành kinh được bố trí nghỉ một thời gian ngắn trong giờ làm việc.
Cụ thể, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút (tính vào thời giờ làm việc) và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Tức là, so với các lao động khác, lao động nữ trong ngày hành kinh có thể chọn đi làm trễ 30 phút hoặc về sớm 30 phút.
Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh trên do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Tuy nhiên, số ngày được quyền nghỉ tối thiểu là 3 ngày làm việc trong một tháng.
Thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do lao động nữ thông báo với người sử dụng lao động.
Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Thứ hai, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được bố trí nghỉ một số thời điểm trong ngày làm việc.
Cụ thể, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.