Những người chuyên đi khám bệnh để... "kiếm tiền"

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Qua thanh tra phát hiện nhiều trường hợp dùng thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh nhiều lần để lấy thuốc nhưng không sử dụng thuốc để điều trị cho bản thân...

Đủ mọi hành vi trục lợi bảo hiểm

Bên cạnh việc triển khai các hoạt động của ngành, BHXH Việt Nam còn phối hợp với các Bộ, ngành để chủ động phát hiện, ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT.

Theo đơn vị này, trong 9 tháng đầu năm, số tiền chậm đóng của các đơn vị được thanh tra kiểm tra đã nộp tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Các đơn vị đã truy đóng về quỹ BHXH, BHYT, BHTN đối với 1.095 đơn vị được thanh tra chuyên ngành đột xuất số tiền là 107 tỷ đồng/198 tỷ đồng số tiền chậm đóng.

Ngoài ra, ngành BHXH đã ban hành 260 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 8,6 tỷ đồng và đã đôn đốc được 387 đơn vị đăng ký tham gia BHXH cho người lao động.

Những người chuyên đi khám bệnh để... kiếm tiền - 1

Một trường hợp trục lợi BHYT bị cơ quan công an khởi tố hình sự (Ảnh: Minh Tâm).

Trong những năm gần đây, tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN luôn ở mức thấp và giảm đều qua các năm, cụ thể: năm 2021, tỷ lệ nợ là 3,1%; năm 2022 là 2,91%; năm 2023 dự kiến là 2,69%.

Nhiều hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT đã được phát hiện và xử lý kịp thời, như: Người lao động sử dụng Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả hoặc được các cơ sở khám chữa bệnh cấp không đúng quy định để thanh toán chế độ BHXH.

Có hiện tượng cơ sở khám chữa bệnh trục lợi quỹ BHYT bằng việc quyết toán công khám, tiền thuốc, dịch vụ kỹ thuật... từ thẻ BHYT của người mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hay trục lợi hưởng BHXH một lần dưới hình thức ủy quyền.

Qua thanh tra còn phát hiện người bệnh mượn thẻ BHYT của người khác để đi khám chữa bệnh hoặc sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần để lấy thuốc nhưng không sử dụng vì mục đích điều trị cho bản thân…

Một số vụ việc lạm dụng, trục lợi đã được phát hiện như vụ việc tại các Phòng khám đa khoa tư nhân ở Đồng Nai (đã khởi tố); tại Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam (Công an tỉnh Hà Nam đang xác minh)...

Bổ sung chế tài xử lý chậm, trốn đóng BHXH

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật BHXH sửa đổi bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH như: quy định cụ thể 2 hành vi, chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế).

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH 6 tháng trở lên, đã xử phạt vi phạm hành chính mà không đóng sẽ bị quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng.

Những người chuyên đi khám bệnh để... kiếm tiền - 2

Dự thảo Luật BHXH đề xuất, bổ sung nhiều biện pháp "chặn" tình trạng trốn, nợ đóng BHXH (Ảnh minh họa: Hoa Lê)

Đặc biệt, sẽ quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.

Cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.