Những đêm thức trắng sợ vỡ đê của người dân trên cồn giữa sông Mekong
(Dân trí) - Chỉ trong 3 ngày, đoạn đê ven ấp vỡ 2 lần giữa đêm khuya, nhà ngập, cây chết, cá trôi gây ám ảnh những người sống trên cồn Phú Đa, Bến Tre. Mỗi khi nước sông dâng, họ lại nơm nớp lo sợ.
Hơn 10 ngày kể từ đợt vỡ đê mới nhất, ông Nguyễn Văn Hiếu (57 tuổi, ngụ cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) đã hết bàng hoàng, nhưng vẫn chưa khắc phục xong hậu quả.
12h, người đàn ông vẫn cặm cụi ngoài vườn, bộ quần áo ướt sũng mồ hôi, lấm lem bùn đất. Ông Hiếu đang cố gắng đắp lại những bờ mương bị nước lũ san bằng, kiểm tra những gốc cây bị ngập nước có nguy cơ chết để kịp thời xử lý.
"Hai lần vỡ đê chỉ cách nhau một ngày, đều xảy ra lúc khuya. Nước chảy ào ào chỉ một lúc đã ngập hết trong nhà. Đồ đạc trôi hết, mấy mương cá tai tượng cũng không còn sót lại con nào", ông Hiếu kể.
Gia đình ông Hiếu có hơn 3.500m2 vườn, trồng dừa, mít, nhãn, sầu riêng. Mương nước trong vườn ông cũng thả nuôi nhiều loại cá, giá trị nhất là tai tượng.
Sau đợt sạt lở vừa rồi, ông Hiếu phải chặt bỏ vài chục cây ăn trái, nhường chỗ để đắp đất gia cố đoạn đê. Người đàn ông cho biết, đây không phải lần đầu đê cồn Phú Đa vỡ, vì vậy cứ mỗi mùa nước lên là người dân trên cồn lại nơm nớp lo sợ.
"Những ngày nước lên tôi đều thức trắng đêm, không thể ngủ được. Dù có chuẩn bị thế nào thì khi vỡ đê đều thiệt hại. Ngày xưa đê cách vườn nhà tôi hơn 20m, giờ đã sạt lấn vào vườn rồi", ông Hiếu nói.
Cách nhà ông Hiếu vài trăm mét, gia đình bà Đặng Thị Ngọc Nhi (47 tuổi) cũng thiệt hại nặng đợt vỡ đê vừa rồi.
Bà Nhi có 3.000m2 vườn mít đang cho trái. Theo kinh nghiệm của bà, sau mỗi đợt ngập, những trái mít trên cây đều sẽ bị xơ đen, thương lái sẽ ép giá.
Không chỉ vậy, cứ sau mỗi đợt ngập, khoảng 10-20% cây trong vườn sẽ chết, những cây còn lại cũng bị suy, năng suất thấp.
"Ngập có khoảng 6 giờ thôi, triều xuống thì nước cũng rút. Đồ đạc trôi, ao cá tai tượng sắp thu hoạch cũng trôi hết. Gia đình tôi coi ao cá như tiền tiết kiệm cả năm, không dám bắt ăn con nào mà giờ mất sạch rồi. Cây trong vườn sẽ chết từ từ, thiệt hại chưa biết sao mà nói", bà Nhi bày tỏ.
Bà Nhi cho biết, con đê đất quanh ấp là do mấy chục hộ dân ở gần nhau chung sức, chung tiền đắp lên. Mỗi đợt vỡ đê, cả mấy chục nhà phải chung cảnh ngập.
Cũng như ông Hiếu và những hàng xóm khác, mỗi đêm nước sông mấp mé mặt đê là bà Nhi thức trắng. Người dân trên cồn Phú Đa dự đoán, con nước tháng tới sẽ cao hơn con nước vừa rồi, vì vậy đê có nguy cơ sẽ lại vỡ.
"Mấy năm gần đây đê vỡ thường xuyên. Vừa do nước lớn, vừa do cát tặc hút cát gần bờ nên sạt lở. Cát tặc đe dọa tôi nhiều lần rồi. Mong sao chính quyền mạnh tay để dứt điểm tình trạng này", người phụ nữ nói.
Thông tin từ UBND tỉnh Bến Tre cho biết, 23h ngày 16/9, đoạn đê đất dài khoảng 20m ở cồn Phú Đa bị sạt lở mất hết thân đê. Sau sự cố, ngày 17/9, chính quyền và người dân địa phương đã đắp lại đoạn đê với các vật liệu tại chỗ.
Tuy nhiên 3h ngày 18/9, đoạn đê này lại tiếp tục vỡ lần 2, nghiêm trọng hơn. Khoảng 30m đê bị sạt lở, 15ha vườn cây ăn trái giá trị cao như sầu riêng, nhãn, mít bị ngập úng, 22 hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, trước đây, tại xã Vĩnh Bình đã nhiều lần xảy ra vỡ đê vào mùa lũ. Nguyên nhân của những sự cố này là do dòng chảy mạnh và nước sông dâng cao và lòng sông bị khoét sâu.
Sau sự cố vỡ đê, lãnh đạo tỉnh Bến Tre và các sở liên quan đã có chuyến khảo sát thực tế. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đã chỉ đạo trực tiếp công tác khắc phục đoạn đê vỡ và gia cố các đoạn đê yếu.
Cồn Phú Đa nằm giữa sông Cổ Chiên, một dòng chính của sông Mekong. Cồn rộng khoảng 4km2, có hơn 700 hộ dân sinh sống.
Các sở ngành liên quan của tỉnh Bến Tre đang đánh giá tình hình, có thể ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở ở xã Vĩnh Bình trong thời gian tới.