Những công nhân bám trụ thành phố: Thanh toán tiền nhà trọ "bằng miệng"

Nhiều công nhân nghèo, họ quyết định bám trụ không về quê sau khi TPHCM đã mở cửa, vì họ tin rằng thành phố sẽ hồi sinh. Song, mấy ai biết trước đó nhiều tháng dài, tiền thuê nhà trọ của họ được tính... "bằng miệng".

Khi TPHCM mở cửa từ 1/10, một số bộ phận người lao động đã được quay trở lại công việc bình thường. Nhưng con số trở lại là rất ít, bởi vì rất đông lượng người lao động ở Sài Gòn đã về quê trước đó.

Những người lao động nghèo, sau nhiều tháng phải gồng gánh với đại dịch Covid-19, mọi khoản thu chi của họ đều âm và đặc biệt phải khất nợ tiền thuê nhà với chủ trọ.

Còn sức là còn bám

"Dạ alo chú ơi, con Nam phòng số 21 đây". Đầu dây bên kia: "Ừ! Vậy là tháng thứ 4 rồi con nhé, tiền điện, nước tháng vừa rồi chú đóng hết cho cả dãy của mình rồi, chú không tính điện nước đâu". "Dạ chú, con cảm ơn chú nhiều ạ!".

Suốt nhiều tháng nay, mỗi lần đến kỳ nộp tiền nhà trọ là chị Vũ Thị Nam (44 tuổi, ngụ tại khu phố 6, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM), hay tất cả những thành viên trong khu nhà trọ này, đều gọi đến chủ trọ thông báo tên, số phòng, nói với nhau vài câu như trên rồi cúp máy.

Hiển nhiên, số tiền phòng phải đóng của những công nhân này chỉ nói bằng miệng qua điện thoại với chủ trọ, trên thực tế là khất nợ.

Những công nhân bám trụ thành phố: Thanh toán tiền nhà trọ bằng miệng - 1

Những người chủ trọ tại khu phố 6 phường 14, quận Gò Vấp luôn quan tâm chăm sóc cho những anh em công nhân ở lại. Những lúc khó khăn nhất, họ đi mót từng cọng rau, củ cà rốt còn dùng được với mong muốn cải thiện, tăng thêm chút dinh dưỡng cho bữa ăn của anh em công nhân sống tại khu trọ này. Ảnh: Chinh Hoàng.

"Tiền nhà trọ tôi đã nợ đến 4 tháng rồi, không ra ngoài bán hàng được nên không có tiền đóng cho chủ trọ. Phải đợi đi bán được mới có tiền trả, khổ lắm!", chị Nam nói với phóng viên Dân Việt.

Chị Nam quê ở Hưng Yên vào Sài Gòn lập nghiệp đã được 15 năm với nghề buôn bán cây cảnh, chậu sứ trang trí làm đẹp trong nhà. Hơn 4 tháng liền, chị cùng chồng và con trai học lớp 4 phải ở yên trong nhà trọ không ra ngoài buôn bán được vì dịch bệnh Covid-19.

Chị Nam cho hay, hôm 1/10 vừa rồi chị biết tin thành phố có lệnh nới lỏng giãn cách và cho hoạt động kinh doanh buôn bán trở lại. Tuy nhiên, đặc thù ngành nghề của chị vẫn chưa được phép hoạt động vậy nên chị Nam đành ngậm ngùi ngồi chờ tiếp chỉ thị mới của thành phố.

Suốt nhiều tháng liền phải ở nhà vì dịch bệnh Covid-19, gia đình chị Nam cũng như bao gia đình khác tại khu trọ này ai nấy đều gặp phải những khó khăn chung như: Không có nguồn thu hàng ngày, thực phẩm thiếu trước hụt sau, kèm theo đó là nhiều nỗi sợ hãi vì tình hình dịch bệnh tại thời điểm đó rất phức tạp.

"Thiếu ăn, thiếu uống gì 2 vợ chồng tôi cũng đã trải qua nhiều rồi. Nhưng nỗi lo lớn nhất của tôi là đứa con nhỏ, tôi chỉ sợ nó chẳng may nhiễm bệnh cái thì tôi sống không nổi mất", chị Nam xúc động kể.

Những ngày đầu thành phố mở cửa sau nhiều tháng liền chống chọi với dịch bệnh, chị thấy mọi người khắp các nơi từ Nam đến Bắc kéo nhau về quê. 

Trong thâm tâm của chị lúc này cũng lóe lên ý định muốn về quê, nhưng: "Đó chỉ là những suy nghĩ bất chợt thôi, vì cũng lâu rồi tôi chưa được về quê nên cũng nhớ ông bà ở quê lắm! Song không thể về lúc này được. Tôi và chồng phải cố gắng bám trụ lại Sài Gòn để còn kiếm cơm nuôi con ăn học và trả nợ".

Những ngày qua chồng chị Nam đã đi làm trở lại. Điều này khiến chị rất vui mừng vì sắp thoát phải cảnh mượn đỡ gạo ăn tạm qua ngày hay phải đi xin từng muỗng muối, muỗng đường khi đến bữa nấu ăn.

Chị nói, mặc dù thiếu thốn vậy đó nhưng khi dịch bùng phát mới biết bà con lối xóm trong khu trọ này đã yêu thương, đùm bọc, san sẻ với nhau như thế nào. Trước đây hàng ngày nhà ai ở nhà đó và cũng rất ít khi những người trong xóm trọ nói chuyện với nhau, vì ai cũng bận đi làm tối ngày mới về.

"Trong đợt dịch vừa qua chúng tôi san sẻ với nhau từng bó rau, quả trứng, hộp khẩu trang,... mà mạnh thường quân hay địa phương cho". Giờ nhớ lại những điều này đối với chị Nam là kỉ niệm sâu sắc không thể quên và cũng nhờ đó tình cảm anh chị em trong xóm trọ này ngày càng thắm thiết, hiểu nhau hơn. 

Cho đi là hạnh phúc

"Nửa đêm nửa hôm thấy người dân ở trọ tại đây dọn phòng đi là chuyện bình thường. Từ hồi tôi có nhà trọ đến bây giờ, không biết bao nhiêu hộ đã bỏ đi nửa đêm không thông báo kiểu như vậy rồi", ông Nguyễn Thanh Đào chủ nhà trọ của chị Nam chia sẻ.

Những công nhân bám trụ thành phố: Thanh toán tiền nhà trọ bằng miệng - 2

Ông Nguyễn Thanh Đào chủ nhà trọ ngụ tại khu phố 6, phường 14, quận Gò Vấp. Ảnh: Chinh Hoàng.

Ông Đào cho hay, dãy nhà trọ của ông có 33 phòng. Khi thành phố mở cửa có 3 hộ gia đình trong dãy phòng trọ này về quê. Những khoản nợ tiền phòng chưa thanh toán trong suốt đợt dịch Covid-19 thứ 4 của 3 hộ gia đình này ông đều cho nợ hết, đồng thời còn hỗ trợ thêm tiền xe để mong muốn được san sẻ một chút với những khó khăn của những người này.

Được hỏi, ông có sợ rủi ro khi nhỡ may họ về quê mà không quay lại trả tiền nợ phòng trọ, ông Đào cười hồn hậu: "Có khó khăn họ mới về quê, khi nào họ quay lại đi làm có tiền thì trả lại tôi. Nếu họ đi luôn cũng chẳng sao, tôi bị nhiều lần như vậy rồi nên thấy bình thường (cười). Tôi chỉ muốn giúp những người khó khăn, đặc biệt là anh em công nhân trong xóm trọ của tôi được phần nào hay phần ấy, xem như làm phúc thôi không sao cả".

Ông Đào vừa là chủ trọ khu này vừa là tổ trưởng tổ dân phố khu phố 6. Vậy nên trong suốt mùa dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua và hiện tại cho đến khi thành phố đã mở cửa trở lại, ông đã tạo điều kiện hỗ trợ rất nhiều cho những anh em công nhân ở lại xóm trọ của ông.

Ông Đào không những cung cấp thêm lương thực, thực phẩm cho anh em công nhân xóm trọ như trứng, rau củ và các loại thức ăn nhanh cùng với đó là việc giảm tiền thuê nhà trọ. 

"Tôi chỉ hy vọng có thể tạo mọi điều kiện tốt nhất cho anh em có một tinh thần thoải mái khi ở trọ ở đây và làm việc, tiền nong có thể trả sau cũng được. Điều quan trọng tôi muốn hướng đến là sự an toàn cho mọi người và sức khỏe để chống chọi với dịch bệnh Covid-19", ông Đào nói.

Trả lời cử tri tại cuộc họp sáng 11/10, đại biểu Phan Văn Mãi - Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sẽ tiếp thu và tham gia thảo luận các ý kiến của cử tri tại diễn đàn của Quốc hội.

Liên quan đến nhà ở cho công nhân, ông Phan Văn Mãi cho biết rất chia sẻ với những người lao động ở những khu nhà trọ. Họ rất đông người nhưng ở trong diện tích rất chật hẹp. "Trước đây, sáng đi ra khỏi nhà, tối về chỉ ngủ nhưng trong mùa dịch, với bốn tháng liền, vợ chồng, con cái phải ở trong một diện tích rất chật hẹp từ sáng đến chiều, từ ngày này qua tháng nọ", ông Mãi chia sẻ và cho biết đời sống khu trọ như vậy là chưa được đảm bảo.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, TP đón người từ các địa phương đến học tập, lao động, đóng góp cho TP nhưng chăm lo nhà ở và các chăm lo khác chưa được đầu tư đúng mức. Ông Phan Văn Mãi khẳng định việc này sẽ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, trong 11 thành phần thuộc kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM có một kế hoạch về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. "Có thể cuối tuần này Thường trực UBND TP.HCM sẽ nghe các ngành chức năng trình bày kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp" - ông Mãi thông tin và khẳng định dự án này sẽ phát triển nhà ở với mức giá thấp nhất có thể cho người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được. Từ đó giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động.

Bên cạnh đó, vấn đề chung cư cũ, nhà ở trên kênh rạch và các nhà trọ cho thuê hiện nay cũng phải được cải thiện. Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh đây là việc cần phải làm ngay. Riêng quận 7 cũng đã đề xuất một số địa điểm để xây dựng nhà ở cho công nhân lao động thuê.