Những "chiến binh" truyền cảm hứng sống đẹp
Họ là những con người bình thường khi chỉ là anh tài xế xe buýt, một bệnh nhân ung thư, nhưng đã có những việc làm tốt, truyền cảm hứng sống đẹp, cổ vũ niềm khao khát sống cho nhiều bệnh nhân…
Chiến binh "K"
Trẻ trung, nhiều năng lượng với một người đã khó, một người mắc ung thư càng khó không tưởng nhưng ở Tường Vy có vẻ như nó rất đơn giản. Nụ cười tươi, xông xáo, nhanh nhẹn và thân thiện với chiếc mũ vành nhỏ che đi mái tóc tém đã rụng gần hết sau 8 lần hóa trị điều trị ung thư vú là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp Lim Tường Vy, 38 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh.
Tường Vy nở nụ cười tươi tắn, nói rằng giờ đã thoải mái với kiểu đầu mới và không thích đội tóc giả chút nào. Trong cuộc chuyện trò với chúng tôi, Vy luôn giữ thái độ điềm tĩnh với những diễn đạt thấu cảm nhiều hơn về cuộc sống. Kết hôn hơn 4 năm, cũng từng đó thời gian vợ chồng Tường Vy chịu đủ mọi vất vả để điều trị hiếm muộn. Cách đây hơn một năm, khi chuẩn bị cấy phôi vào cơ thể để chờ đón giây phút được làm cha mẹ, cả hai bàng hoàng nhận tin Tường Vy có khối u lạ ở ngực. Ngày nhận kết quả xét nghiệm, hai vợ chồng Vy như chết lặng khi khối u được xác định ác tính.
Trời đất như sụp đổ trước mặt người phụ nữ trẻ chưa một lần làm mẹ. Có lẽ cuộc đời chị chưa bao giờ bế tắc, đớn đau đến vậy. Vy bắt đầu nếm trải những nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần, những dằn vặt cả về tài chính lẫn tình cảm mà chỉ có bệnh nhân ung thư mới hiểu được. Ngay lúc tưởng như mất hết tương lai, không còn gì để bấu víu, người đàn ông nhân hậu, hiểu biết và yêu thương nhất mực mà chị chọn gắn bó đã luôn song hành cùng chị vượt qua bóng tối tuyệt vọng.
"Có khả năng em sẽ phải đoạn nhũ, sẽ không thể sinh con cho anh nữa, nếu vậy, thì sao?", Tường Vy hỏi người bạn đời. "Không sao đâu em. Anh không cần con nữa, anh sẽ đồng hành cùng em", câu trả lời của chồng dẫu ngắn gọn nhưng cũng đủ kéo chị ra khỏi vòng luẩn quẩn.
Tường Vy nhanh chóng trấn an bản thân, đón nhận bệnh một cách nhẹ nhàng như một phần cuộc sống và bắt đầu hành trình chiến đấu với nó. Chị tìm đến thăm khám nhiều bác sĩ, nhận được không ít lời khuyên để hiểu hơn về bệnh và quyết định sang Singapore điều trị vào cuối tháng 4/2022. Đều đặn 3 tuần một lần, Vy có mặt tại Singapore để truyền thuốc. Trong 4 lần truyền hóa chất đầu tiên, Vy mệt mỏi, sốt nhiều, chân tay bị tê, và tóc bắt đầu rụng. Khoảnh khắc một nửa lượng tóc trên đầu rụng cũng là lúc cả nhà chị rơi nước mắt. Chồng chị thấy vậy liền bày tỏ mong muốn cùng cạo hết tóc, nhưng Vy nhất quyết từ chối.
"Thật ra khi Vy bệnh, những người thân xung quanh mới là đáng thương nhất. Ai cũng lo lắng tới mức Vy phải an ủi, trấn an ngược lại. Mình rất sợ bị nhìn với ánh mắt thương hại. Việc gì xảy ra đều có lí do của nó, đôi lúc chuyện không may xảy ra không phải là kết thúc mà biết đâu nó là mở đầu cho một chặng hành trình mới. Ung thư làm cho mình tỉnh lại, sống ý nghĩa hơn, đón nhận bệnh như một người bạn, hiểu và sống với nó", Tường Vy tâm niệm trong những tháng ngày chiến đấu với tử thần.
Giữ đúng lời hứa sống khác, cuộc đời thứ 2 dường như mở cửa chào đón Vy. Vy bắt đầu tìm đến những hội nhóm, tham gia làm bánh, làm nến, tập thiền, nấu cơm chay từ thiện, những thứ mà trước đây bị cản vì bận rộn. Từ những hội nhóm nhỏ trên mạng xã hội, Tường Vy tìm đến các tổ chức thiện nguyện với hy vọng được đóng góp cho đời những giá trị nhỏ. Dù mới hóa trị xong, mệt rã rời nhưng Vy vẫn cố gắng đến thăm, tặng quà tại trường khiếm thị cách nhà rất xa. Lúc đó, thấy những sản phẩm của các em trường khiếm thính còn tồn nhiều, bán không được, "máu" kinh doanh nổi lên, Vy quyết định đem về bán giúp. Ngỡ ít, không ngờ nhận được cả thùng hàng lớn, lúc đó cũng lo lắng, tới lui vắt óc suy nghĩ cách bán. Sau cùng Vy đưa ra một quyết định táo bạo, chọn livestream bán thử dù trước giờ chưa từng làm, không ngờ bán được 18 triệu cho các em nhỏ.
Dần dần, Vy càng hiểu hơn bản thân cần cho cuộc đời những gì. Căn bệnh cắt ngắn cuộc đời Vy, đánh cắp quãng thời gian trải nghiệm đẹp đẽ nhất của đời người, cướp đi cơ hội làm mẹ cùng rất nhiều tổn thương, mất mát. Đối diện với những đoạn trường gian khó, phải làm bạn với những đau đớn về thể xác, kiệt quệ tinh thần mỗi đợt điều trị giúp Tường Vy đồng cảm sâu sắc với người bệnh ung thư.
Mong cầu giúp người cùng hoàn cảnh có thêm kiến thức, sự mạnh mẽ để vượt lên sợ hãi, qua lời giới thiệu của bạn bè, Vy tham gia Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) quyết tâm dùng câu chuyện của mình để lan tỏa sự tích cực và rất nhanh Vy trở thành gương mặt truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho cộng đồng BCNV. Kinh nghiệm của một người "chung sống" hòa bình với "K" nhiều năm liền đã giúp chị tự tin mỗi khi chia sẻ thông điệp về "K" vú, về sự ổn định tâm lý, cổ vũ niềm khao khát sống cho những người không may mắc bệnh.
Có người chỉ cảm nhận những cơn đau của ung thư, còn những người như Tường Vy nhờ đó mà thực sự bắt đầu sống. Ung thư giúp Vy hiểu sâu sắc hơn về việc mình đang sống thông qua cái chết. Khi biết mình còn sống được bao lâu thì đó cũng là may mắn của kiếp người. Và hơn hết là để sống một cuộc đời như không còn gì để mất với phiên bản tốt nhất của chính mình.
Khắc tinh của trộm cướp
Hành khách trên chuyến xe buýt số 86 (tuyến Công viên 23/9 - Nhà Bè) dường như đã quá thân quen với cái tên bác tài "Huy búp bê", tên thật là Lê Xuân Huy (41 tuổi) quê ở An Giang. Biệt danh Huy "búp bê" là bởi bên trong chiếc xe buýt của anh lúc nào cũng ngập tràn sự dễ thương từ những món đồ chơi, búp bê, móc khóa, gấu bông và có khi là cả hoa... để tặng hành khách vào những dịp đặc biệt như ngày 8/3, 1/6 hay Giáng sinh...
Dễ bắt gặp nhất phải kể đến những chiếc hộp nhỏ đựng kẹo được treo đầy trên xe cho mọi người hay rổ tiền lẻ nho nhỏ cạnh cửa lên xuống với dòng chữ "nếu quên mang theo tiền lẻ, bạn cứ việc lên lấy tiền lẻ đủ để mua vé". Trải lòng về việc làm của mình, anh Huy chia sẻ: "Có nhiều lần thấy hành khách không mang tiền lẻ theo, thậm chí có người vừa bị giật tiền không còn đồng nào trong túi nên mình nảy ra ý định này. Thôi thì bỏ chút tiền lẻ vào, giúp được ai thì giúp, khả năng bao nhiêu mình giúp đời bấy nhiêu thôi". Vậy là không chỉ có người nghèo, cả hành khách có điều kiện nhưng không mang tiền lẻ cũng được anh Huy hào phóng giúp đỡ bằng cách đơn giản như thế.
Nhìn anh Huy sống đơn giản vậy, đâu ai biết rằng anh cũng từng tốt nghiệp đại học và từng là Phó phòng Hành chính 12 năm trong một ngân hàng ở An Giang. Gia đình đổ vỡ, cuộc đời rẽ sang hướng mới, anh lên TP Hồ Chí Minh tìm việc, có thời gian xin làm công nhân rồi cuối cùng bén duyên với nghề tài xế xe buýt từ giữa năm 2017. Anh bộc bạch, giai đoạn khủng hoảng nhiều từng nghĩ đến những điều tiêu cực vì không tìm được ý nghĩa của cuộc sống, sau cùng anh nhận ra việc tặng quà cho hành khách, nhìn thấy nụ cười của họ giúp anh hạnh phúc hơn. Đó cũng là lý do anh thường xuyên trích tiền túi để chi tiêu cho những món quà lặt vặt dành tặng hành khách trên chuyến xe của mình.
Nhiều hành khách đi xe buýt vẫn sợ nhất nạn móc túi, thế mà lên chuyến 86 của anh Huy thì cảm thấy an toàn lắm. Chẳng những vậy mỗi khi phát hiện có trộm, anh còn cương quyết tìm lại đồ.
Kinh nghiệm gần 6 năm lái xe buýt của mình, bên cạnh vẻ ngoài mộc mạc, giản dị và chan hòa, ít ai biết rằng bác tài này từng có hơn 20 lần tham gia bắt kẻ gian móc túi, cướp giật trên xe.
Trong những lần bắt cướp, anh Huy vẫn nhớ buổi trưa một ngày tháng 7/2019, trên tuyến 86 khi đi qua đoạn kênh Tẻ, quận 7 anh phát hiện một cô gái í ới vẫy tay chạy theo một phụ nữ đi xe máy. Thoạt đầu anh còn tưởng cô gái chạy theo người nhà để đưa đồ nhưng sau thấy bộ dạng vẫy tay rất yếu ớt và hoảng loạn của cô gái, anh sinh nghi.
Quan sát thấy phía sau cô bé là một nam giới chạy xe máy kề theo, với bản năng từng bắt nhiều vụ cướp và móc túi, anh Huy điêu luyện bẻ lái chặn đầu tên trộm lại. Sau khi ép xe, anh vội lao xuống để tìm cách khống chế nhưng tên cướp cùng đồng bọn đã nhanh chóng tẩu thoát. Dù không bắt được cướp nhưng rất may, cô gái trẻ đã lấy lại được chiếc xe máy. Với hành động trên, anh Huy được Công an TP Hồ Chí Minh biểu dương và khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, anh Huy là nhân viên lái xe thuộc công ty cổ phần vận tải thành phố đã xây dựng được hình ảnh đẹp về người tài xế xe buýt. Không chỉ có thái độ phục vụ hành khách chuyên nghiệp, văn minh lịch sự mà tài xế Huy còn là điển hình về "người tốt việc tốt", luôn giúp đỡ mọi người và tham gia bắt nhiều vụ trộm cướp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Khi xe buýt 86 dừng hoạt động, anh Huy chuyển sang tuyến số 72 (tuyến công viên 23/9 - Hiệp Phước). Dù ở tuyến nào thì bác tài Huy "búp bê" luôn coi chiếc xe buýt như ngôi nhà thứ hai của mình nên yêu thương tiếp tục được anh trao gửi trên những hành trình rong ruổi phố xá Sài Gòn.