Những câu chuyện an sinh thấm đẫm tình người trong năm Covid-19 thứ 2
(Dân trí) - Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã cướp đi hơn 30.000 người Việt, khiến hàng nghìn đứa trẻ chịu cảnh mồ côi. Tuy nhiên trong khó khăn đó, nghĩa tình đồng bào vẫn tỏa sáng, ấm áp...
Cháu bé 4 tuổi một mình nhận tro cốt mẹ
Tháng 9/2021, tại TPHCM, biến chủng Delta như cơn lũ dữ ập đến và gây tang tóc cho thành phố trẻ. Hàng nghìn người mắc mỗi ngày và hệ quả sau đó nhiều người dân vô tội đã phải bỏ mạng. Trong số đó có người thân của đứa trẻ 4 tuổi Phạm Thị Ngọc Châu (TP. Thủ Đức, TPHCM).
Khi đại dịch ghé thăm khu phòng trọ tồi tàn của hai mẹ con Châu, bé và mẹ được đưa đi cách ly. Nhưng không lâu sau đó, đứa trẻ lên 4 đã nhận cú sốc đầu đời đau đớn là người mẹ của em không còn.
Cảnh đứa bé 4 tuổi, phải chắp đôi tay bé bỏng, cúi lạy hũ tro cốt của người mẹ vắn số, ai cũng thắt lòng. Từ khoảnh khắc cơn đại dịch kéo đến, nó đã cướp đi người thân duy nhất của đứa bé 4 tuổi và để chặng đường phía trước em biết bao tủi hờn, trống vắng và xót xa.
Người lính cụ Hồ nhận đỡ đầu cho 3 trẻ mồ côi.
Tham gia vào công tác trợ giúp gia đình có người thân bị Covid-19, thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Trợ lý quân khí, Bí thư Đoàn cơ sở quân sự TP Thủ Đức, Bộ tư lệnh TPHCM nhận thấy không thể vô cảm trước hình ảnh đáng thương của cháu bé Phạm Thị Ngọc Châu.
Còn nhớ, khi ấy, anh Kiên cùng đồng đội đưa hũ tro cốt của mẹ bé Phạm Thị Ngọc Châu về nơi trọ tồi tàn. Chứng kiến hình ảnh bé 4 tuổi phải chìa bàn tay nhỏ xíu đón nhận hũ tro cốt của người mẹ mình, anh Kiên đã quyết định nhận đỡ đầu cho bé Châu.
Khi được biết, bé Châu còn có người chị là Bảo Ngọc trên 8 tuổi và anh là Đình Huy lên 10 tuổi hiện đang sống với bà ngoại, thiếu tá Nguyễn Trung Kiên đã quyết định đỡ đầu cho 3 đứa trẻ mồ côi mẹ.
Trong thời gian đại dịch hoành hành, mọi khó khăn từ cuộc sống, hình ảnh người thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng chìa bàn tay, đón nhận, nuôi dưỡng những cảnh đời đáng thương từ đại dịch quả thật ấm lòng, thể hiện được tình thương vô bờ bến đối với đồng bào, trẻ em.
Doanh nhân: Người bỏ thụ tinh ống nghiệm, người nhận nuôi trẻ mồ côi
Đối diện với sự tàn khốc của dịch bệnh, năm 2021 là thời điểm chúng ta chứng kiến nhiều hình ảnh chứa chan tình người. Khi nhận tin TPHCM có hàng nghìn đứa trẻ thơ bị mồ côi cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, vị doanh nhân có tiếng Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã lên phương án nhận nuôi 1.000 trẻ mồ côi để gánh vác một phần mình cho xã hội và để các trẻ em bớt đi nỗi đau hiện tại.
Ngay sau tuyên bố của mình, doanh nhân Trương Gia Bình đã xúc tiến kế hoạch trên, lập cơ sở giáo dục trẻ em ở Đà Nẵng và quyết tâm đưa những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi về đây để nuôi dưỡng.
Cũng là tấm chân tình vì trẻ thơ, doanh nhân N.T.H (39 tuổi) tại TP Thủ Đức, TPHCM đã lên tiếng về ý định từ bỏ kế hoạch thụ tinh nhân tạo để nhận trẻ mồ côi vì đại dịch về nuôi dưỡng.
Được biết, vị doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực mỹ phẩm này đang là mẹ đơn thân và hoàn toàn đủ điều kiện để nhận con nuôi.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ và đánh giá cao hành động nhân văn như vậy".
Cha đẻ ATM gạo, ATM oxy, đâu cần là có!
Từ việc hỗ trợ người dân thiếu ăn bằng ATM gạo, đến khi TPHCM bị làn sóng của đại dịch Covid-19 bủa vây, doanh nhân Hoàng Anh Tuấn đã mở đầu có phong trào xây dựng ATM oxy cho bệnh nhân nghèo.
Nghĩa cử này của người doanh nhân trẻ đã như đốm lửa, lóe lên hy vọng và thổi bùng phong trào trao tặng oxy cho bệnh nhân Covid-19 ở khắp các địa phương có bệnh nhân Covid-19 từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và sau đó trở thành phong trào rộng khắp, xuyên suốt, cứu giúp được hàng nghìn người trong cơn thập tử nhất sinh và hỗ trợ chi phí điều trị cho nhiều gia đình trong cơn túng quẫn.
Mặc dù sau đó, chính cha đẻ ATM gạo Hoàng Anh Tuấn cùng gia đình đều mắc Covid-19, nhưng vượt qua khó khăn của bản thân, anh cùng những bạn bè cùng chí hướng vẫn duy trì việc hỗ trợ oxy cho bệnh nhân Covid-19.
Xúc động hình ảnh cả đàn chó rong ruổi về quê né dịch
Nếu như chính quyền Cà Mau không cứng nhắc trong quyết định tiêu hủy đàn chó cùng chủ rong ruổi hàng trăm cây số về quê né dịch, thì những hình ảnh những con chó cùng người chủ nhân cùng trên chiếc xe gắn máy cà tàng đã trở thành hình ảnh đẹp nhất năm, chứ không phải là hình ảnh đau xót của năm.
Theo đó, đầu tháng 10/2021, ông Phạm Minh Hùng (49 tuổi) cùng vợ chở 15 con chó, mèo từ Long An về Cà Mau trên xe máy. Tuy nhiên, sau đó gia đình ông này bị cách ly do dương tính Covid-19 và trở thành F0. Do chủ là F0 Covid-19, chính quyền huyện Trần Văn Thời đã tổ chức tiêu hủy 16 con chó mèo đi theo chủ trên xe máy.
Vụ việc này gây rúng động dư luận, chính quyền Cà Mau chịu nhiều chỉ trích của dư luận vì việc tiêu hủy tài sản của người dân, đồng thời thực hiện việc phòng dịch cứng nhắc, duy ý chí.
Dư luận ngay sau đó đã lên tiếng bênh vực người chủ có tấm lòng yêu động vật và đã có nhiều mạnh thường quân gửi tiền về cho gia đình ông Phạm Minh Hùng chữa bệnh, tiếp tục nuôi dưỡng những đàn chó mèo trong tương lai.
Hình ảnh người chủ nghèo, với chiếc xe máy cà tàng, tháo chạy khỏi nơi dịch bệnh hoành hành vẫn quyết tâm chở cả đàn chó mèo bên mình trở thành hình ảnh đầy tính nhân văn, cao đẹp của tình thương yêu động vật, trước dịch bệnh và ở nơi mà cái sống và cái chết dường như cận kề.