Nữ đại gia bỏ thụ tinh nhân tạo, muốn xin con nuôi là trẻ mồ côi vì Covid
(Dân trí) - Trước thông tin riêng TPHCM đã có cả ngàn trẻ em mồ côi vì Covid-19, chị N.T.H ở TPHCM từ bỏ ý sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, mong muốn nhận con nuôi.
Xin con nuôi là trẻ mồ côi do Covid-19 sẽ "vẹn cả đôi đường"
Nhiều ngày qua, chị N.T.H, 39 tuổi, ở thành phố Thủ Đức, TPHCM, nữ doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực mỹ phẩm đang tìm hiểu thông tin nhận trẻ mồ côi vì Covid-19 làm con nuôi.
Chị H. ly hôn từ 7 năm trước, giờ là mẹ đơn thân, nuôi một bé gái 8 tuổi. Không có ý định đi bước nữa, chị vẫn khát khao có thêm con để con gái có chị có em trong nhà. Chị đã có kế hoạch sinh thêm một bé nữa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng hiến tặng.
Trải qua đợt dịch lần thứ 4, chứng kiến cảnh hàng ngàn trẻ mồ côi vì dịch bệnh, chị N.T.H thay đổi ý định. Lần đầu tiên chị suy nghĩ nghiêm túc đến việc nhận nuôi dưỡng, chăm sóc một em bé đã không may mồ côi vì dịch bệnh.
"Sinh con với tôi ở tuổi này thiếu an toàn, thêm việc chăm trẻ sơ sinh là một áp lực mình chưa thực sự sẵn sàng. Nhận nuôi một bé nhỏ hơn con gái mình 2 - 3 tuổi sẽ thuận lợi nhất cho việc cho nuôi dạy cả hai", chị N.T.H bộc bạch.
Người mẹ bày tỏ, bản thân đủ khả năng về sức khỏe, kinh tế để nuôi dưỡng bé trong điều kiện tốt nhất. Chị cũng hỏi han một số nơi nhưng còn rất mơ hồ, không biết tìm, xin nuôi trẻ mồ côi vì Covid-19 như thế nào.
Nhận con nuôi là nhu cầu của rất nhiều gia đình như vợ chồng hiếm muộn, mẹ đơn thân, gia đình có mong muốn có thêm con... Thực tế Covid-19 để lại nhiều hệ quả đau thương, mất mát khi hàng ngàn trẻ trở thành mồ côi, càng thôi thúc mong muốn nhận con nuôi của nhiều gia đình.
Anh Nguyễn Hoàng Anh, ở quận Gò Vấp, TPHCM kể, vợ chồng em họ anh hiếm muộn, cưới nhau gần 10 năm, thậm chí ra cả nước ngoài chạy chữa nhưng vẫn chưa có được niềm vui con cái.
"Cô em họ tôi mong muốn tìm con nuôi là trẻ mồ côi do Covid-19 để có thể chăm sóc, cho con một gia đình thứ 2, bù đắp phần nào mất mát cho bé. Nhưng thật sự, chúng tôi không biết tìm đến đâu, thủ tục thế nào", anh Hoàng Anh nói.
Có nhu cầu, tấm lòng nhưng cần làm đúng luật
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM), đại dịch Covid-19 đẩy nhiều trẻ em rơi vào tình cảnh khốn cùng, mất cả cha lẫn mẹ. Tìm người nhận nuôi các em là điều rất cần thiết, mang ý nghĩa nhân văn trong bối cảnh hiện nay.
Tôn trọng và ủng hộ việc làm nhân văn này, tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đức Chánh lưu ý, cha mẹ nuôi cần thực hiện đầy đủ việc đăng ký nhận nuôi con nuôi tại cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật. Việc đăng ký này nhằm đảm bảo quan hệ nuôi con nuôi được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Về điều kiện nhận con nuôi, ông Nguyễn Đức Chánh chia sẻ, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010, điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi cụ thể như sau: Trẻ em dưới 16 tuổi; hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Đối với trường hợp nuôi con nuôi trong nước, người nhận con nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt (khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010).
Về thủ tục nhận nuôi con, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010, nơi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước là UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi.
Về hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước, ngoài giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe... cần có biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự.
Ngoài các điều kiện, thủ tục, luật sư Nguyễn Đức Chánh nhấn mạnh người muốn nhận con nuôi cần lưu ý những điểm sau:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Nuôi con nuôi 2010, một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Do đó, nếu người nhận con nuôi đã có vợ/chồng thì khi nhận con nuôi cần sự đồng thuận của cả hai người.
Cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
Kể từ ngày giao nhận con nuôi thì giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan (khoản 1 Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010).
Những người không được nhận con nuôi
Luật sư Nguyễn Đức Chánh thông tin, theo khoản 2 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, những người sau đây không được nhận con nuôi:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Khuyến khích chính sách cha mẹ đỡ đầu
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, qua khảo sát, hầu hết các em mồ côi vì Covid-19 đều muốn sống với người thân. Sở vận động, kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, các mạnh thường quân đỡ đầu, hỗ trợ tiền nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi.
Đối với những trường hợp đặc biệt như trẻ không còn người thân, mồ côi lần thứ hai do người nuôi dưỡng, giám hộ đã mất vì Covid-19... các cơ quan liên quan sẽ tìm người nhận nuôi. Việc đưa vào trung tâm bảo trợ chỉ là phương án cuối cùng.