Nhận bảo hiểm xã hội một lần, về già sống ra sao?
(Dân trí) - Các chuyên gia lo lắng khi nhiều lao động còn trẻ, khỏe đi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tiêu vào số tiền tích lũy rồi về già không biết sống ra sao.
Mất nhiều quyền lợi khi rút BHXH một lần
Ngày 11/8, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo "Lấy ý kiến người lao động về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)" tại TPHCM.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, giải thích yếu tố lịch sử dẫn đến Việt Nam là nước duy nhất cho phép người lao động (NLĐ) sau 1 năm nghỉ việc là được hưởng BHXH một lần.
Theo ông Đặng Thuần Phong, thống kê cho thấy, người lãnh BHXH một lần đa phần là người trẻ tuổi. Họ lựa chọn hưởng BHXH một lần mà không suy nghĩ tương lai về già sẽ sống ra sao.
Ông nói: "Chúng ta nhận trước, giải quyết trước cuộc sống thời trẻ thì khi về hưu chúng ta mất hết, không có gì. Sau này phải chờ đến 80 tuổi, đang sửa luật là 75 tuổi mới được hưởng hưu trí xã hội của nhà nước, cuộc sống bấp bênh".
Thông tin tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), khái quát: "Giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu lượt NLĐ đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước".
Theo ông Thọ, xu hướng người trẻ tuổi rút BHXH một lần đã được dự báo từ trước. Nguyên nhân là ở giai đoạn tuổi trẻ này hầu hết lao động trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Một nguyên nhân khác là do áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) nên số lượng người hưởng BHXH một lần ở độ tuổi lao động trẻ chiếm tỷ trọng lớn.
"Tôi thấy rất đau lòng, những NLĐ còn trẻ, còn khỏe lại tiêu vào số tiền tích lũy, của để dành, rồi về già lại trắng tay", ông Thọ chia sẻ.
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH nhấn mạnh: "Việc nhận BHXH một lần được coi là "lợi trước mắt, hại lâu dài". Bởi ngay khi hưởng BHXH một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của NLĐ không được bảo lưu".
Trong khi đó, nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH, khi được đủ điều kiện hưởng lương hưu thì NLĐ được hưởng rất nhiều quyền lợi.
Thứ nhất là NLĐ được hưởng tiền lương hưu hàng tháng. Định kỳ, mức lương hưu được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị.
Thứ hai là về quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT). NLĐ được cấp thẻ BHYT miễn phí với quyền lợi hưởng cao. Cụ thể, mức hưởng BHYT của người nghỉ hưu là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình là 80%.
Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật, có khi tiền thuốc còn nhiều hơn tiền ăn. Do đó, ông Thọ đánh giá việc được chia sẻ phần lớn chi phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình.
Thứ 3 là chế độ tử tuất. Khi người hưởng lương hưu mất, thân nhân của họ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 18 triệu đồng); trợ cấp tuất hàng tháng dành cho thân nhân đủ điều kiện; hoặc trợ cấp tuất một lần.
Về già, ai cũng muốn có lương hưu
Hội thảo đã nhận được 25 ý kiến đóng góp của người lao động đang làm việc, người lao động đã từng rút BHXH một lần và lãnh đạo công đoàn cơ sở các công ty lớn, có đông công nhân ở địa bàn TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Chủ tịch CĐ Công ty TNHH May mặc G&G II (quận Bình Tân, TPHCM), cho biết: "Rất nhiều công nhân rút BHXH một lần không phải vì khó khăn, có nhu cầu cấp bách. Mà họ nhận để mua điện thoại, xe máy… Người rút một lần để hỗ trợ gia đình rất ít".
Theo người lao động, nguyên nhân nhiều người rút BHXH dù không khó khăn là vì họ thấy việc rút BHXH một lần có lợi hơn hưởng lương hưu, mà chờ đến 60-62 tuổi mới được lãnh lương hưu thì quá lâu. Một nguyên nhân khác là lương hưu thấp nên không hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH Quadrille Việt Nam (KCN Amata, Đồng Nai) cho biết: "Ở công ty tôi có 4 người nhận lương hưu nhưng sau khi nghỉ hưu thì được ký hợp đồng lao động dành cho người cao tuổi. Trong đó, người lãnh lương hưu thấp nhất là 2,4 triệu đồng/tháng, cao nhất gần 3,2 triệu đồng/tháng".
Bà Nguyễn Thị Hoa cho rằng: "Mức lương hưu quá thấp. Nếu mình rút một lần, mở kiot bán hàng mỗi tháng cũng kiếm được ít nhất là 4-5 triệu đồng".
Theo ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động Đồng Nai), 70% số cuộc gọi mà người lao động nhờ tư vấn là các vấn đề liên quan đến BHXH, đặc biệt là chế độ hưởng BHXH một lần.
Ông cho rằng: "Bất cứ người lao động nào cũng muốn về già có lương hưu. Nhưng vì nhiều lý do, họ phải rút BHXH một lần".
Kết luận hội thảo, ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh việc tiếp thu, nghiên cứu và sửa đổi căn cứ vào các góp ý về các nguyên nhân rút BHXH một lần của người lao động.
Theo ông, từ các góp ý tại hội thảo có thể chia làm 2 nhóm người lao động rút BHXH một lần. Thứ nhất là khó khăn thật sự, cần tiền trang trải nên rút. Thứ 2 là nhóm thấy rút BHXH một lần lợi hơn nên rút.
Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh chính sách chế độ hưu trí tốt hơn chế độ hưởng BHXH một lần. Theo ông, nếu chính sách hưu trí lợi hơn thì nhóm rút BHXH vì thấy lợi sẽ không rút nữa.
Ông Đặng Thuần Phong phát biểu: "Nếu rút BHXH một lần mà lợi hơn thì người lao động rút nhiều lần. Mình phải có chính sách để chế độ hưu trí phải tốt hơn hưởng BHXH một lần, như vậy mới khuyến khích người ta chờ hưởng lương hưu".
Còn đối với nhóm rút BHXH một lần vì khó khăn, theo ông Phong thì cần có chính sách hỗ trợ tại thời điểm họ gặp khó khăn. Khi được hỗ trợ vượt qua khó khăn thì họ sẽ không có ý định rút BHXH một lần nữa.
Điều chỉnh luật BHXH hướng về người lao động
Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khẳng định các nội dung sửa đổi trong dự thảo luật BHXH lần này có liên quan đến quyền lợi của NLĐ đều được điều chỉnh tăng lên.
Ông Cường cũng chia sẻ khái quát với các đại biểu tham dự hội thảo về 2 phương án đề xuất quy định hưởng BHXH một lần trong dự thảo luật.
Đồng thời với các điều chỉnh quy định hưởng BHXH, dự thảo luật cũng đề xuất nhiều quy định gia tăng quyền lợi, thêm sự lựa chọn cho NLĐ như: Điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); Hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của NLĐ khi bị mất việc…