DMagazine
 

(Dân trí) - "Nếu không có một bản lĩnh kiên cường và một trái tim giàu yêu thương thì không thể chăm lo tốt cho trẻ em tự kỷ, khuyết tật", Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ tự kỷ, khuyết tật

"Nếu không có một bản lĩnh kiên cường và một trái tim giàu yêu thương thì không thể chăm lo tốt cho trẻ em tự kỷ, khuyết tật", Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ tự kỷ, khuyết tật

Ước mơ giúp trẻ phục hồi trí, lực

Đầu tháng 10, tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật tại TPHCM, phía ngoài cửa, hàng chục trẻ em đang đạp xe, một nhóm em khác đang tập thể dục. Một em thỉnh thoảng lại bỏ dở bài tập thể dục, các thầy cô liên tục phải nhắc nhở. 

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 1

Một buổi tập thể dục của các em chậm phát triển

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 2
Các cô bảo mẫu khá vất vả vì các em hiếu động, không tự chủ được bản thân
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 3
Các em khá khỏe, to người hơn các cô lại thêm hiếu động nên sau buổi tập thể dục, các cô áo ướt đẫm mồ hôi

Ở phía bên trong các lớp điều trị phía trong trung tâm vọng ra rất nhiều tiếng cười đùa, la, hét của các em đang điều trị. Trong đó, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang tập cho các em đi, tập cho các em đứng, ngồi... Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng đối với các em ở đây lại khá phức tạp, đòi hỏi sự cần mẫn của đội ngũ y bác sĩ. 

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 4
Cũng như bao người khác, các em cũng mong được vui đùa, có cuộc sống bình thường
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 5
Mỗi ngày, các bảo mẫu phải cho các em tập các bài tập để kích thích não bộ, cơ bắp

Trong phòng phục hồi chức năng, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Trung tâm đang tập vật lý trị liệu cho một em nhỏ khoảng 7,8 tuổi. Bác sĩ Thắng vuốt tay, nắn chân, nâng người cho các em khá thuần thục và nhẹ nhàng. Các em đều nở nụ cười lớn mỗi sau mỗi hành động của bác sĩ Thắng.

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 6
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng (bên trái)
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 7
Công việc thường nhật của bác sĩ Thắng

Mở đầu buổi phỏng vấn, bác sĩ Thắng cho biết sinh năm 1965, quê ở Quảng Bình. Ông Thắng từng học chuyên ngành Đa khoa tại Đại học Y dược Huế. Sau đó, chàng trai trẻ tiếp tục học chuyên ngành CKI, CKII Phục hồi chức năng vì anh nhận thấy đây là bộ môn chữa bệnh không cần dùng thuốc nhưng rất hiệu quả. 

"Tôi quyết tâm chọn nghề Y học dân tộc để giúp trẻ em yếu thế vì có lẽ đây là định mệnh của tôi. Khi còn đi học tôi cũng chỉ mong muốn nâng cao kiến thức để giúp các em nhanh hồi phục trí và lực để trở về với gia đình. Do vậy, tôi cứ cố gắng, cứ quyết tâm thực hiện mơ ước và định mệnh của đời mình. Nhiều người nói theo nghề này vất vả, nhưng với tôi đây lại là niềm vui, niềm hạnh phúc", bác sĩ Thắng tâm sự. 

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 8
Động lực gắn bó với nghề của bác sĩ Thắng và đội ngũ trung tâm chính là thấy được nụ cười của các em
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 9
Một công việc không hề đơn giản

Phục vụ bằng trái tim

Sau gần 5 năm phục vụ công tác hỗ trợ trẻ khuyết tật tại Huế, năm 1996, bác sĩ Thắng về làm nhiệm vụ tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật tại TPHCM. 

"Hình ảnh đầu tiên khi bước vào trung tâm tôi thấy rất nhiều trẻ mồ côi, suy dinh dưỡng. Những hình ảnh đó tôi không thể quên. Khi ấy, tự nhiên trong ý thức của tôi là tôi sẽ phục vụ ở đây. Tôi muốn làm một điều gì nhỏ bé gì đó cho những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn", bác sĩ Thắng kể lại. 

25 năm qua, hàng ngàn trẻ em đã được tay bác sĩ Thắng bồng bế, dìu dắt để trở về với gia đình. Mỗi sự chăm sóc là một trách nhiệm của một người bác sĩ, một người thầy dành cho các trẻ em tại trung tâm.

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 10
Nhiều năm qua, bác sĩ Thắng và đội ngũ của mình luôn kề vai sát cánh cùng các bệnh nhi, giúp các em chiến đấu với chính bản thân mình
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 11
Bệnh nhi này khá nặng, phải giữ tay trong ống quần để cơ thể em không bị co quắp
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 12
Tuy cơ thể co quắp, nhưng em rất ham học. Theo các y bác sĩ thì não của em được khoảng 70% bình thường. Bệnh nhi này luôn miệng khẳng định mình là "em bé dũng cảm"

"Luôn có một động lực thôi thúc tôi phải làm tròn trách nhiệm với các em nên tôi luôn phục vụ bằng chính trái tim mình. Niềm vui của tôi là mỗi ngày thấy các em được điều trị xong được trở về với gia đình, hòa nhập cuộc sống. Trung tâm luôn là nơi để các phụ huynh yên tâm gửi gắm con em vào điều trị", bác sĩ Thắng tâm sự. 

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 13
Bác sĩ Thắng hàng ngày phải dùng lực thật mạnh để mở các cơ, khớp của bệnh nhi

Không dừng lại ở đó, nhiều năm qua, bác sĩ Thắng đã truyền lửa phục vụ cho hàng trăm cán bộ đang công tác tại trung tâm. Do vậy, các cán bộ tại Trung tâm luôn nêu cao cái tâm, lòng yêu thương trong từng cử chỉ khi chăm sóc các trẻ khuyết tật.

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 14
Hai niềm hạnh phúc, hai nụ cười đối lập nhau, hình ảnh thường thấy hàng ngày ở trung tâm
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 15
Nếu ai lặng lẽ nhìn các y, bác sĩ, điều dưỡng... chăm sóc các em nhỏ ở đây chắc chắn sẽ hiểu được ý nghĩa của sự việc trên. Đây cũng là tôn chỉ hàng đầu để bác sĩ Thắng và đội ngũ cán bộ tại Trung tâm hoàn thành trách nhiệm với công việc mình lựa chọn và với các em. 

Cái tâm chưa đủ, phải có chuyên môn cao

Ông Thắng cho biết, nhiều trẻ khi đưa vào trung tâm có bệnh lý rất nặng. Tuy vậy, sau thời gian điều trị tại trung tâm các em đã có thể giao tiếp, đi lại và làm việc một cách nghiêm túc. Nhiều phụ huynh khi nhận con đều ngỡ ngàng, không tin vào sự thật. Tại trung tâm, một em bé bị liệt hai chân nhưng sau thời gian điều trị đã có thể tự đi lại, tự hát những bài hát yêu thích. 

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 16
Sau thời gian điều trị, bé Bàng đã có thể múa hát gần như bình thường như một phép màu
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 17
Những trường hợp nặng, các bảo mẫu phải chia nhau dạy kèm riêng

Để có được niềm vui trên, hàng trăm y, bác sĩ, điều dưỡng, công nhân viên chức tại trung tâm đã cố gắng hơn 40 năm qua. "Thuyền trưởng" Nguyễn Xuân Thắng cũng là người góp công lớn vào hành trình "lột xác" của trung tâm sau 25 năm gắn bó. 

"Ngay từ khi còn đi học, phương châm của tôi là ngoài cái tâm, lòng nhân hậu thì phải có chuyên môn. Để chăm sóc tốt cho các em hơn thì đội ngũ cán bộ phải đa lĩnh vực. Đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, vật lý trị lệu, giáo viên tâm lý phải có kỹ năng chuyên sâu. Khi kết hợp những vấn đề trên trong điều trị thì các em mới nhanh có cơ hội hòa nhập và phát triển kỹ năng sống", bác sĩ Thắng cho hay. 

25 năm qua, người bác sĩ trẻ ngày nào luôn kiên định với phương châm trên, đặc biệt, khi giữ vai trò quản lý trung tâm, phương châm trên càng được thể hiện quyết liệt. 

"Tôi thường xuyên xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ tại trung tâm. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên đi học các lớp nâng cao kiến thức để về truyền đạt cho cán bộ. Tôi muốn đội ngũ cán bộ luôn phải đáp ứng mọi yêu cầu trong việc chăm sóc trẻ em tự kỷ, khuyết tật. Các em sau điều trị có thể tham gia lao động, tăng gia sản xuất cho gia đình và xã hội", bác sĩ Thắng trao đổi thêm. 

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 18
Bác sĩ Thắng đang theo dõi các em làm đồ lưu niệm
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 19
Không thể ngờ rằng khả năng sáng tạo của các em lại có thể làm ra sản phẩm lưu niệm từ những cây đinh, sợi len…

Với những cố gắng của bác sĩ Thắng và đội ngũ cán bộ, nhiều năm qua, trung tâm luôn nhận được sự tin tưởng của gia đình các trẻ em yếu thế. Nơi đây luôn là địa chỉ tin cậy cho trẻ em khuyết tật không chỉ ở TPHCM mà còn ở nhiều tỉnh thành phía Nam. 

"Khi mình mới vào trung tâm thì trung tâm chỉ có khoảng 40 trẻ điều trị. Đội ngũ nhân viên cũng rất đơn sơ, chủ yếu là chăm sóc chứ chưa được đào tạo kỹ năng, chỉ có một vài bác sĩ. Đến nay, trung tâm đã mở rộng và có khoảng 250 trẻ điều trị thường xuyên", bác sĩ Thắng thông tin. 

Nếu không có tình yêu... 

 Chia sẻ về quá trình điều trị cho trẻ em 25 năm qua tại trung tâm, bác sĩ Thắng cho biết luôn phải cố gắng, cố gắng mỗi ngày. Ngoài ra, bản thân cũng phải luôn hướng tới cái tâm để có thể dành trọn thời gian, tình yêu cho trẻ. 

"Việc chăm sóc trẻ khuyết tật khá đặc thù và khó khăn. Từng động tác, hành động đối với trẻ bình thường là đơn giản nhưng đối với các trẻ ở đây thì phải tập đi tập lại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần. Tôi cứ cần mẫn và tỉ mỉ như vậy rồi cũng quen. Nếu không có tình yêu thì không thể chăm sóc trẻ khuyết tật được", bác sĩ Thắng khẳng định.

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 20
Một lớp Yoga cho trẻ chuyên biệt không suông sẻ như người bình thường
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 21
Ghi nhận tại các lớp điều trị của trung tâm, tôi cũng thực sự cảm phục các y, bác sĩ, cán bộ... phục tại đây. Họ có thể ngồi hàng giờ để tập đứng cho một em nhỏ, tập đi cho một bạn thiếu niên có thể nặng gấp đôi cơ thể mình.  
Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 22

Nhiều trẻ khó phát âm và không thể nghe cũng được hướng dẫn từng động tác nhỏ để hiểu được ngôn ngữ hình thể. Nhiều cô giáo cũng cần mẫn ngồi nhiều tiếng đồng hồ để tập viết, tập đọc cho các em bị thiểu năng trí tuệ...

"Tôi luôn tâm niệm phải giúp đỡ được nhiều trẻ hơn. Tôi sẽ cố gắng hết sức để nâng cấp, mở rộng trung tâm. Tôi mong muốn trung tâm là nơi ăn, chốn ở, nơi làm việc, nơi vui chơi, nơi lao động sản xuất và làm ra sản phẩm để các em tự nuôi sống bản thân", bác sĩ Thắng chia sẻ kế hoạch sắp tới. 

Người thầy 25 năm chăm lo trẻ khuyết tật - 23
Hiện, ngoài các lớp điều trị phục hồi chức năng, bác sĩ Thắng cũng đang mở rộng mô hình hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ tại trung tâm. Nhiều trẻ đã có thể tự vẽ, tự làm cây nghệ thuật, tự chơi đàn...

"Để có thể hoàn thành được ước mơ của mình, tôi rất cần sự hỗ trợ từ Bộ LĐ-TB&XH, cùng toàn thể người dân. Tôi cứ trăn trở, nếu để trẻ trở về gia đình và vô tình thành gánh nặng cho gia đình thì không được. Tôi mong muốn tạo nghề nghiệp ổn định cho tất cả các em. Những trẻ không thể học nghề cụ thể thì chúng tôi sẽ tạo ra mô hình riêng để có thể nuôi sống các em tại trung tâm. Tôi tin, nếu tôi và đội ngũ cán bộ cứ cống hiến tận tâm thì sẽ gặt hái được thành quả tốt", bác sĩ Thắng nhấn mạnh. 

Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật tại TPHCM là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, được thành lập năm 1978. Trung tâm thực hiện điều trị phục hồi chức năng và trợ giúp cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo. Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện về điều trị phục hồi chức năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên các cơ sở bảo trợ xã hội các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Qua hơn 40 năm hoạt động, Trung tâm đã thực hiện khám và điều trị phục hồi chức năng, phục hồi suy dinh dưỡng, giúp đỡ và đem lại cuộc sống mới cho hàng ngàn trẻ em mồ côi suy dinh dưỡng, trẻ khuyết tật và trẻ con gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn từ 0 đến 15 tuổi thuộc địa bàn TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trong 5 năm qua trung tâm đã điều trị phục hồi chức năng cho 1.189 lượt trẻ, vượt kế hoạch 118% so với chỉ tiêu đề ra là 1.000 trẻ. Tỷ lệ phục hồi chức chức năng, suy dinh dưỡng bình quân 68% (chỉ tiêu 50%), tỷ lệ trẻ tăng cân bình quân đạt 80% (chỉ tiêu 80%); số lượt tập vật lý trị liệu là 60.226 lượt trẻ.

Với những cố gắng trên, bác sĩ Thắng đã nhận được nhiều bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH. Năm 2017, bác sĩ Thắng còn vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" vì đã có cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.  

Xuân Hinh - Phạm Nguyễn