Người phát hiện 2 con không cùng huyết thống yêu cầu xác định cha của trẻ
(Dân trí) - Người đàn ông trong vụ "Đi xuất khẩu lao động về, đau lòng phát hiện 2 con không cùng huyết thống" có đơn đề nghị tòa án xác định cha ruột của các cháu.
Kêu gọi "tình địch" xét nghiệm ADN
Ngày 5/10, anh Sang (đã đổi tên, 37 tuổi), người đàn ông trong vụ đi xuất khẩu lao động về, phát hiện 2 con không cùng huyết thống, cho biết đã có đơn gửi tòa án yêu cầu được ly hôn với vợ mình là bà Sen.
Trong đơn ly hôn, ông Sang trình bày bà Sen có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng gây đổ vỡ hôn nhân. Ông nêu bằng chứng việc bị vợ phản bội là 2 con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của 2 người "không có quan hệ huyết thống bố - con" với mình.
Ngoài nội dung ly hôn, ông Sang còn gửi đơn lên tòa yêu cầu xác định cha cho con mình.
Người này cho rằng, căn cứ kết quả xét nghiệm ADN, đề nghị xác định giữa ông và bà Sen không có con chung. Từ đó, người chồng yêu cầu tòa ra phán quyết 2 con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa 2 người không phải là con của ông Sang; đồng thời yêu cầu xác định cha ruột của các cháu.
"Đề nghị cơ quan chức năng xác định cha ruột của 2 cháu, vì quyền nhân thân của các cháu", ông Sang trình bày.
Về người đàn ông là cán bộ một cơ quan tại Phú Yên, ông Sang đã làm đơn tố cáo lên cấp cao việc người này có quan hệ bất chính với vợ mình. Ông Sang nêu thông điệp, người này muốn chứng minh bản thân trong sạch, hãy xét nghiệm ADN.
"Nếu người này muốn chứng minh bản thân trong sạch, hãy xét nghiệm ADN cùng các cháu, kinh phí tôi sẽ chịu", ông Sang nói.
Yêu cầu vợ bồi thường vì gian dối?
Trao đổi về những vấn đề pháp lý đặt ra trong sự việc, luật sư Nguyễn Tường Linh (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) phân tích, hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được quy định tại điều 182 Bộ luật hình sự 2015 nêu rõ:
"Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, với các trường hợp làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm".
Tuy nhiên, điều kiện cấu thành tội danh này là người vi phạm phải "chung sống như vợ chồng".
Ở khía cạnh khác, luật sư Phạm Hồng Phúc (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên) cho rằng, pháp luật chưa có quy định một cách cụ thể, cũng chưa có án lệ nào về quyền yêu cầu người vợ không chung thủy bồi thường trong trường hợp pháp lý như trên.
Tuy nhiên, trong thực tế, đã có tòa án giải quyết chấp nhận yêu cầu của người chồng, buộc người vợ phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người chồng do lừa dối, có con với người khác trong thời kỳ hôn nhân.
Trong trường hợp này, tòa án đã áp dụng nguyên lý "lẽ công bằng' được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Tình huống này được phân tích, hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, mọi việc làm đều có mục đích. Người chồng nuôi dưỡng, chăm sóc con nhằm mục đích được hưởng lợi về mặt tình cảm và trông cậy lúc tuổi già. Mục đích ấy, trong trường hợp này, đã không đạt được, do hành vi sai trái, gian dối của người vợ.
Như vậy, người vợ được xác định đã gây thiệt hại cho chồng phải có trách nhiệm bồi thường. Việc đó phù hợp với quy định chung của pháp luật và vì lẽ công bằng.
Luật sư Phạm Hồng Phúc còn chia sẻ thêm, đối với việc giải quyết ly hôn, tòa cũng sẽ xem xét nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hôn nhân để phán quyết.
"Người nào có lỗi dẫn đến đổ vỡ hôn nhân thì bất lợi hơn trong việc phân chia tài sản. Dù vậy, đây cũng chỉ là một yếu tố để tòa xem xét, còn phán quyết về việc phân chia tài sản liên quan nhiều vấn đề khác như công sức xây dựng, đóng góp để tạo dựng khối tài sản chung của vợ chồng, yêu cầu đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em…", luật sư Phúc cho hay.