1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người lao động rời thành phố: Không phải cuộc... tháo chạy, là vì tự trọng!

Hoài Nam

(Dân trí) - Không thể về quê ở Trà Vinh, hai vợ chồng cầm cố xe để trả tiền trọ. Khi được đề nghị hỗ trợ chuộc xe, họ từ chối: "Chúng tôi còn xoay xở được!".

Bối cảnh, tâm lý hành vi của lao động di cư trong đại dịch là chủ đề được quan tâm tại tọa đàm trực tuyến "Các tổ chức xã hội ứng phó đại dịch Covid-19", do Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) tổ chức ngày hôm qua, 8/10. 

Người lao động rời thành phố: Không phải cuộc... tháo chạy, là vì tự trọng! - 1

Tọa đàm "Các tổ chức xã hội ứng phó đại dịch Covid-19" (Ảnh: H.N).

Cầm cố xe máy để trả tiền phòng, vẫn từ chối... nhận hỗ trợ

ThS.Nguyễn Thu Quỳnh, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) kể, mới đây, bà cùng nhóm tình nguyện ở Đà Nẵng muốn hỗ trợ đưa hai vợ chồng dân tộc thiểu số, cùng em bé mới sinh 5 ngày tuổi ở Lào Cai đi xe máy từ Bình Dương về quê đang kẹt tại thành phố miền Trung.  Nhóm đi tìm xe nhưng khi quay lại thì vợ chồng này đã đi mất.

Họ lập tức liên hệ với các chốt ở các tỉnh để tìm cách hỗ trợ nhưng không được. 

Người lao động rời thành phố: Không phải cuộc... tháo chạy, là vì tự trọng! - 2

ThS Nguyễn Thu Quỳnh (Ảnh: T.Q).

"Thật may, lúc 5h sáng nay, họ gọi điện lại báo đã về gần đến nhà khi được một nhóm tình nguyện khác hỗ trợ", bà Quỳnh cho biết. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thu Quỳnh kể thêm về hai trường hợp khác gặp trong đợt khảo sát gần đây. Một là cặp vợ chồng quê Trà Vinh, nợ tiền nhà trọ, điện nước hơn 4,3 triệu đồng. Họ phải đi cầm cố xe lấy 5 triệu đồng trả nợ, để tiếp tục ở lại. 

Lúc đầu, bà Quỳnh hỗ trợ một khoản nhỏ. Lần sau quay lại, bà muốn gửi tiền hỗ trợ chuộc xe, cặp vợ chồng từ chối: "Chúng tôi còn xoay xở được, chị để phần lo cho người khác". 

Người lao động rời thành phố: Không phải cuộc... tháo chạy, là vì tự trọng! - 3

Giấy tờ cầm xe máy và phiếu nợ của một cặp vợ chồng làm tại TPHCM, từ chối khi nhận được lời đề nghị hỗ trợ chuộc xe (Ảnh: Chụp lại từ màn hình).

"Hoàn cảnh khác là một bà mẹ trẻ vừa sinh con chưa được một tháng. Sau khi nhận được sự hỗ trợ nhỏ, có người liên hệ giúp đỡ, bạn ấy nói: "Anh chị hãy để giúp người khác, em đã tạm đủ ăn rồi", bà Quỳnh kể.

"Chưa bao giờ người yếu thế trở thành tiêu điểm của truyền thông đại chúng. Và thường họ ít cơ hội để nói lên tiếng nói của mình", ThS Nguyễn Thu Quỳnh.

Qua những trường hợp mình gặp, bà Quỳnh nhận định, có thể thấy, người lao động dù rất khó khăn nhưng tính tự trọng rất cao, họ muốn tự lo cho mình khi còn cố được. 

"Với tôi, việc người dân lao động rời thành phố trong ngày qua không phải là cuộc tháo chạy. Đây là hành vi của những người muốn tự lo cho mình, không muốn tự phiền đến ai", nhà nghiên cứu này nhận định. 

Người lao động rời thành phố: Không phải cuộc... tháo chạy, là vì tự trọng! - 4

Người lao động rời TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Đồng thời, ThS Nguyễn Thu Quỳnh cũng nêu ra đặc điểm cần lưu ý về người lao động di cư, người yếu thế, nhất là người dân tộc thiểu số họ rất kiệm lời và ít có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Việc lắng nghe tâm tư, tiếng nói của họ là việc rất cần thiết. 

Lao động di cư góp phần giải quyết gánh nặng an sinh  

Dù hội thảo trực tuyến nhưng người tham dự có thể nghe giọng nói nghẹn lại, cố kìm nén của PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Chủ biên công trình nghiên cứu "Đời sống xã hội Việt Nam đương đại" khi nói đến tình trạng "mắc kẹt" của người lao động di cư trong đại dịch. 

Kể về trường hợp đôi vợ chồng bán đôi bông tai 450.000 đồng, tiền xét nghiệm hết 400.000 đồng, còn 50.000 đổ xăng để về quê, ông Lộc phân tích: "Họ đã cố hết sức. Nếu nói họ không tuân thủ (quy định phòng chống dịch- PV) hay không trách nhiệm thì là cái nhìn thiếu nhân bản trong bối cảnh hiện nay".

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đánh giá, người di cư rời thành phố về quê trong những ngày qua là bức tranh khá ảm đạm.

Vậy nhưng, ở góc độ tiếp cận khác, có thể thấy mặt tích cực là người lao động có năng lực quản trị rủi ro, ứng phó; họ đang góp phần cùng giải quyết các bài toán của các tỉnh thành về gánh nặng an sinh. 

Ông Nguyễn Đức Lộc giải thích, lâu nay người di cư từ nông thôn chuyển đến thành thị để kiếm sống, đảm bảo an sinh cũng như gửi tiền về quê nhà. Trong quá trình này họ thường dẫn theo người phụ thuộc như con cái, cha mẹ, ông bà...

Dịch bùng phát, 4 tháng qua họ bị "mắc kẹt" ở thành phố, họ muốn đưa những người yếu thế, dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, mới sinh...  về quê và để sắp xếp chuyện gia đình.

Người lao động rời thành phố: Không phải cuộc... tháo chạy, là vì tự trọng! - 5

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy việc "sắp xếp lại cuộc sống" của người lao động di cư (Ảnh: Phạm Nguyễn) 

"Khi đưa người yếu thế trong gia đình về, họ sẽ tự sắp xếp mọi việc, cho phép bản thân nghỉ ngơi một thời gian rồi sẽ tiếp tục quay lại đô thị. Xét về mặt chính sách, theo tôi đây là điều tích cực. Lao động di cư đang tạo một giá trị vô hình góp phần giảm gánh nặng an sinh", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nêu góc nhìn. 

Nghiên cứu về người lao động di cư gần 2 thập kỷ, TS Nguyễn Đức Lộc trải lòng: "Chúng ta cần nhìn ra những gì vô hình hoặc bị che khuất; nghe được những giọng nói bị tắt tiếng; cảm nhận được trải nghiệm đã bị bỏ qua, làm ngơ hoặc giấu kín".

Nhà nghiên cứu xã hội này cho rằng, nếu không hiểu biết về hành vi con người, không dự báo được các tác động chính sách tới hành vi con người thì các chiến lược về kinh tế, dịch tễ sẽ phải chạy theo "diễn biến" mới liên tục nảy sinh, thậm chí bị động, gây thương tổn, căng thẳng xã hội. 

TS Nguyễn Đức Lộc nêu quan điểm, thời điểm này có thể xem là khởi đầu của các chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững đô thị - sự phát triển này không thể thiếu bóng dáng lao động di cư. Thành phố cần quan tâm đến chất lượng đời sống, đặc biệt là chỗ ở của người lao động di cư.

900 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp cho lao động nữ di cư tại Bình Dương

Thông qua đại sứ Quán Canada tại Hà Nội, Quỹ sáng kiến Canada phối hợp cùng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội triển khai dự án "Ứng phó Covid-19 - Hỗ trợ khẩn cấp cho lao động nữ di cư ở tỉnh Bình Dương"  với ngân sách tài trợ 50.000 CAD (tương đương 900 triệu đồng).

Dự kiến, dự án được thực hiện trong thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022 với mục tiêu giảm thiểu các tác động tiêu cực của Covid-19. Dự kiến, dự án sẽ trao tặng các gói hỗ trợ khẩn cấp (nhu yếu phẩm) và thực hiện hoạt động tư vấn tâm lý cho lao động nữ di cư dễ bị tổn thương, đang mất việc làm hoặc bị chậm trả lương hoặc giảm doanh thu do tác động của dịch bệnh.