Quảng Nam:
Người lái đò bỏ việc không đành vì "lo bọn trẻ thất học, khổ cả đời"
(Dân trí) - "Tôi đã nhiều lần muốn nghỉ nhưng nghĩ lại thương bọn trẻ. Thất học khổ lắm!", ông Phạm Văn Tiến - người có 20 năm làm nghề đưa đò trên sông Thu Bồn ở Quảng Nam tâm sự.
Thôn Thạch Bích (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) một buổi trưa mùa đông giá rét, nghe tiếng trẻ con í ới, ông Phạm Văn Tiến lật đật chuẩn bị ghe đò, đưa đón nhóm học sinh sang sông.
Ông Tiến có gần 20 năm làm nghề đưa đò trên bến sông Thu Bồn. Trước đây, bến đò ngang từ thôn Thạch Bích đến thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm là con đường duy nhất để học sinh tới trường và người dân đi lại.
Cuối năm 2019, tuyến đường từ cầu treo đến thôn Tứ Nhũ hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Nhưng vẫn còn khoảng 60 học sinh từ thôn Tứ Nhũ học tại điểm trường lẻ ở thôn Thạch Bích thường xuyên đi đò sang sông để tới lớp.
Chiếc ghe ông Tiến dùng để đưa đò nay đã cũ. "Mùa nắng đi lại không vấn đề gì nhưng mùa mưa hay khi nước lớn, tôi cũng thấy sợ. Áo phao không đủ cho các em, gần mười cái trên ghe đã cũ", ông Tiến nói.
Ngoài ông Tiến, còn một người nữa cùng ông luân phiên đưa đón học sinh sang sông đến trường. Ông Tiến tâm sự đã nhiều lần muốn nghỉ nghề đưa đò, nhưng rồi lại áy náy.
Ông lái đò phân trần, nếu vì thu nhập, tính việc kinh doanh, ông đã từ bỏ công việc từ lâu. Thứ giữ chân ông với việc đưa đò này là vì tình thương.
"Tôi đã có lúc muốn nghỉ nhưng nghĩ lại thương bọn trẻ. Thất học khổ lắm! Ngày xưa không học hành đến nơi đến chốn nên tôi hiểu. Giờ đây, tôi gửi niềm hy vọng vào bọn trẻ, mong các cháu học hành tử tế. Tôi mong có chiếc ghe mới, áo phao đảm bảo, đủ dùng cho các cháu", ông Tiến tâm tư.
Thầy Đoàn Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ, để đảm bảo việc đưa đón các em sang sông đi học, ngay từ đầu năm học Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức họp phụ huynh để nắm bắt thông tin, bàn phương án để các em đến lớp cho phù hợp.
"Anh Tiến đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em đi học đúng giờ, kể cả mùa mưa hay mùa nắng. Anh ấy cùng các thầy cô luôn lưu ý, nhắc bọn trẻ mặc áo phao, giữ an toàn khi đi lại trên sông nước", thầy Phong cho hay.