Người đàn ông chụp lén 2 cô gái ở phòng gym kèm dòng tin nhắn gây sốc
(Dân trí) - "Chúng tôi mặc quần đùi, áo thun, không hở các bộ phận nhạy cảm nhưng không hiểu sao vẫn bị chụp lén như thế", N.T.T., nạn nhân trong vụ chụp lén tại phòng tập gym, nói.
Mới đây, mạng xã hội xôn xao bài viết về hai cô gái bị một người đàn ông chụp lén tại phòng gym, khiến cư dân mạng bức xúc.
Chủ nhân bài viết, M.N. (21 tuổi) cho biết sự việc xảy ra vào tối 22/8, tại một phòng gym trên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM).
Vào thời điểm xảy ra sự việc, M.N. cho hay khi đang đi lấy nước uống thì N. và bạn thấy một người đàn ông đang hướng điện thoại về phía mình. Nghi ngờ bị chụp lén, cả hai di chuyển ra phía sau người đàn ông thì phát hiện người này đang gửi ảnh chụp lén mình vào nhóm chat riêng với dòng tin nhắn: "Hàng này được không anh ruột?".
Lúc này, N. và bạn dùng điện thoại ghi lại đoạn tin nhắn của người đàn ông, đồng thời tiến đến chất vấn. Tuy nhiên, người đàn ông liên tục không nhận lỗi mà nhanh tay xóa hình ảnh chụp lén hai cô gái.
"Dù đã xóa nhưng may mắn chúng tôi đều đã ghi hình lại đoạn tin nhắn ấy. Khi chúng tôi báo cáo lại với quản lý phòng gym, người đàn ông này tỏ vẻ dửng dưng, xem đó là chuyện bình thường. Anh ấy không hợp tác với phòng gym để ghi biên bản sự việc mà còn nói rằng "anh là người lớn, anh biết cái nào đúng cái nào sai, anh đã bóp mông tụi em chưa?", khiến tôi rất sốc", N. nói.
Sau một hồi cự cãi, người đàn ông vội vã ra về cùng vợ của mình.
N. chia sẻ vào ngày 23/8, đại diện phòng gym đã liên hệ để trấn an tinh thần của cô, đồng thời đưa ra hướng xử lý sẽ trình lên cấp trên để khóa tài khoản của người đàn ông trong đoạn clip.
Sự việc đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và tương tác. Nhiều người tỏ vẻ bức xúc trước hành động của người đàn ông nói trên.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hoàng, khoản 1 Điều 32 BLDS 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh có nêu rõ rằng cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Trong khoản 1 và 2 Điều 38 quy định về Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý,
Hành vi quay lén, chụp lén là vi phạm quy định của pháp luật, cụ thể là vi phạm về quyền nhân thân và quyền bí mật đời tư của cá nhân. Người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Về trách nhiệm dân sự, nếu hành vi chụp lén, quay lén gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị chụp lén, quay lén thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật tại Điều 592 BLDS 2015 về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Về trách nhiệm hành chính, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định 15/2020/NĐ-CP), hành vi nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.