Ngôi làng ở Quảng Nam cứ có lũ là... "chạy"
(Dân trí) - Tìm cách thích nghi với thiên tai bão lũ, với phương châm 4 tại chỗ, người dân huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) dần hình thành nên những ngôi làng chạy lụt.
Làng chạy lụt
Ở Quảng Nam, hễ có lũ, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, ngập nặng. Để tồn tại ở nơi khắc nghiệt này, người dân đã tự trang bị những kỹ năng sống chung với lũ.
Xã Đại Lãnh thuộc vùng "báo động đỏ", nằm trong vùng dự báo cấp độ 4 về ảnh hưởng, rủi ro bởi áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và ngập lụt.
Thôn Hoằng Phước Bắc (xã Đại Lãnh, Đại Lộc) nằm giữa 2 con sông Kôn và Vu Gia có khoảng 160 hộ dân, với 600 nhân khẩu. Đây là vùng đặc biệt thấp của tỉnh Quảng Nam, từng không có người ở do lũ ngập hàng năm. Sau này, do thiếu đất ở nên bà con về đây dựng nhà, tìm cách ứng phó với lũ.
Vào tháng 9 Âm lịch hàng năm, không ai bảo ai, gần 80% ngôi nhà tại Hoằng Phước Bắc đều trang bị bè nổi. Bè được làm bằng 4-6 chiếc thùng phuy sắt loại lớn kết nối bằng các cây tre to, chắc chắn. Bè có thể chở được cả heo, gà vịt, xe máy, lúa gạo…
Ông Nguyễn Tấn Điền (73 tuổi, thôn Hoằng Phước Bắc) cho biết, mỗi người dân tại làng này từ nhỏ đến lớn đều nằm lòng những kỹ năng phòng tránh lũ. Mỗi năm, đầu mùa mưa bão, người dân lại hò nhau đóng bè, đưa ghe dựng sẵn trước nhà để sẵn sàng chạy lũ.
"Đây được xem là bản năng, kinh nghiệm đúc kết truyền qua nhiều đời, mỗi đời lại cải tiến cho phù hợp với thực tế. Chạy lụt tại chỗ thôi, từ nhà thấp qua nhà cao, mọi người cùng đoàn kết chống lũ", ông Điền chia sẻ.
Ngoài ra, điều đặc biệt ở ngôi làng này là những ngôi nhà hầu như đều được làm nền móng cao hơn mặt đường 1-1,5m. Ông Nguyễn Bé (thôn Hoằng Phước Bắc) cho biết, ngoài số tiền nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng cho mỗi hộ, các gia đình bỏ thêm tiền để "giật móng" nhà lên càng cao càng tốt.
"Mỗi hộ ít nhất phải có một bè nổi, một gác lửng, một chiếc ghe để tự cứu lấy mình trước. Ở đây là vùng đất thấp lụt, có năm lũ về dâng cao tận 2-3m, cả một vùng nước trắng xóa. Người dân dù làm gì cũng phải dành dụm để nâng cao móng nhà, xây gác phòng lụt", ông Bé tâm sự.
Phương châm 4 tại chỗ
Cuối tháng 11, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về khả năng sẽ có một đợt mưa lớn diện rộng tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam.
Những ngày này, chuyện người dân Hoằng Phước Bắc quan tâm nhất là dự báo lũ lụt, tranh thủ kiểm tra các chiếc bè nổi có đủ đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Thước - Trưởng thôn Hoằng Phước Bắc - cho biết, để chủ động ứng phó bão lũ, đảm bảo an toàn cho nhân dân, cứ trước mỗi mùa mưa, ông lại lên danh sách các nhà cao tầng để từ đó phân chia nhà nào sẽ là địa chỉ tránh lũ tạm thời cho những ai cần.
Phương án trên giúp người dân chủ động tránh lũ tại chỗ, đồng thời không quá thụ động trông chờ vào sự cứu viện từ bên ngoài.
Theo ông Thước, thôn Hoằng Phước Bắc còn xây dựng mô hình cộng đồng cùng chung tay chống lũ, ban hỗ trợ lũ lụt. Khi nghe tin lũ về, chính quyền xã kết hợp cùng các thôn, xóm thông tin qua loa phát thanh để người dân chủ động phòng tránh. Ngoài ra, các gia đình neo đơn, người già yếu sẽ có người đến giúp đỡ sơ tán, di dời đồ đạc.
Phương châm 4 tại chỗ là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ. Không trông cậy vào bên ngoài, người dân chủ động mọi phương án ứng phó với lũ.
"Cái chính vẫn là tinh thần tương thân tương ái của dân làng dành cho nhau khi đối diện với sự khốc liệt của thiên tai. Chúng tôi luôn chuẩn bị chu đáo nhất có thể, dự phòng nhiều phương án, đảm bảo an toàn cho dân làng luôn là ưu tiên hàng đầu", ông Thước bộc bạch.
Theo UBND xã Đại Lãnh, để chủ động phòng, chống thiên tai, xã Đại Lãnh đã thành lập lực lượng xung kích phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ dân sơ tán, khắc phục hậu quả thiên tai. Công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau bão lũ luôn được triển khai hiệu quả, nhanh nhất.
Tại các thôn xóm, phương án chống lũ 4 tại chỗ được phát huy một cách tối ưu và đạt hiệu quả cao, giúp người dân chủ động chống lũ tại chỗ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.