Nghỉ việc nhưng công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội, phải làm sao?
(Dân trí) - Nhiều lao động làm việc tại các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) gặp khó khăn khi chốt sổ BHXH. Thậm chí, có công ty cố tình không chốt sổ, làm khó người lao động khi nghỉ việc.
Trên diễn đàn dành cho các giáo viên mầm non, chị Uyên cho hay đã nộp đơn xin nghỉ việc 3 tháng nhưng công ty vẫn không chốt sổ BHXH. Khi chị Uyên hỏi bộ phận nhân sự mới biết công ty quản lý trường còn nợ BHXH hơn 1 năm dù tháng nào cũng trừ tiền BHXH trong bảng lương của chị.
"Mình được biết là chị bạn đồng nghiệp cũ của mình nghỉ việc từ tháng 9/2022 nhưng đến nay công ty vẫn chưa chốt sổ BHXH cho chị ấy. Vậy công ty hứa hẹn lần này lần khác không chốt sổ BHXH cho mình có đúng không?", chị Uyên bức xúc.
Trường hợp chị Hồng Nga (ngụ TPHCM) càng rắc rối hơn khi công ty cũ nợ tiền BHXH nên khi chị nghỉ việc đã không chốt được sổ BHXH. Hiện công ty này không giải thể, không làm thủ tục phá sản nhưng không hoạt động nữa nên Nga không biết làm sao để chốt sổ BHXH để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo BHXH Việt Nam, Điều 21 của Luật BHXH năm 2014 quy định: "Khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH và trả sổ BHXH cho người lao động".
Trường hợp chốt sổ BHXH cho người lao động khi công ty nợ BHXH được quy định cụ thể tại Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 46 của Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH do BHXH Việt Nam ban hành ngày 26/6/2020.
Theo đó, đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng). Cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trong trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Như vậy, khi doanh nghiệp nợ tiền BHXH và chưa có khả năng đóng đủ thì vẫn có thể làm thủ tục chốt sổ BHXH cho người lao động nghỉ việc theo quy định trên.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp doanh nghiệp cố tình không đóng đủ tiền BHXH, làm khó người lao động như trường hợp của chị Uyên, chị Nga.
Trong trường hợp này, người lao động có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính) để bảo vệ quyền lợi BHXH của mình.
Khi bị khiếu nại, người sử dụng lao động có hành vi "không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật" có thể bị xử phạt hành chính.
Mức phạt dành cho cá nhân người sử dụng lao động vi phạm hành vi trên là từ 1 đến 20 triệu đồng. Nếu đối tượng vi phạm là tổ chức thì mức phạt là từ 2 đến 40 triệu đồng.