Nghe tâm tư người lao động trước mỗi chính sách định xây dựng

Hoa Lê

(Dân trí) - Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một biện pháp để bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và có hiệu quả.

Tại diễn đàn chuyên đề "Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động", Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, nhiệm vụ chính của công đoàn là tham gia xây dựng pháp luật.

Theo Điều 10 Hiến pháp, chức năng, nhiệm vụ đầu tiên của Công đoàn Việt Nam là đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Để thực hiện tốt được chức năng này, một trong những phương thức hoạt động là xây dựng và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Theo ông Hiểu, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã xác định việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một biện pháp để bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và có hiệu quả.

Nghe tâm tư người lao động trước mỗi chính sách định xây dựng - 1

Toàn cảnh diễn đàn (Ảnh: TT).

Vị này phân tích, giải quyết những vụ việc cụ thể, tình huống thực tế thì đối tượng thụ hưởng rất ít; để rộng hơn về đối tượng, cao hơn về lợi ích cần phải xây dựng chính sách, pháp luật.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thời gian qua, trong việc xây dựng chính sách pháp luật phải hướng tới cách tiếp cận người lao động không chỉ là người thụ hưởng mà còn phải là người trực tiếp, chủ thể xây dựng chính sách.

"Muốn đạt được mục tiêu trên, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ, trăn trở của người lao động để quy định trong luật", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nhằm huy động đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia xây dựng chính sách pháp luật, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sức lan tỏa, hấp dẫn đối với người lao động, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để các chủ trương, chỉ đạo và những thông tin cần thiết của tổ chức công đoàn đến được với số đông người lao động trong công tác xây dựng chính sách pháp luật góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ Công đoàn và đoàn viên cần được tập trung xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cùng với đó, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, trong quy trình xây dựng pháp luật. Triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ các quy định thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật, ngay trong quá trình đề nghị xây dựng.