Quảng Trị:
Ngày cuối năm ở Trung tâm điều dưỡng Người có công
(Dân trí) - Trước Tết Nguyên đán vài ngày, cán bộ Trung tâm điều dưỡng Người có công tổ chức bữa tiệc để các thương binh, cụ già không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi sum vầy, cảm nhận không khí ngày Tết.
"Ở đây sinh hoạt thoải mái như ở nhà"
Ngày cuối năm, căn phòng của bà Tạ Thị Thanh (76 tuổi, ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) tại Trung tâm điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội (NCC & BTXH) tỉnh Quảng Trị được quét dọn sạch sẽ, đồ đạc được xếp ngăn nắp, gọn gàng. Trong căn phòng có tivi cùng nhiều loại sách, báo để bà Thanh giải trí trong những ngày Tết.
Cạnh chiếc tủ tivi là những hộp quà, bánh kẹo… được các tổ chức trao tặng nhân dịp Tết cổ truyền. Bà Thanh nói rằng, ngày Tết tại trung tâm đối với bà chỉ đơn giản như vậy, nhưng không kém phần ấm áp, bởi nhu cầu của bà cũng không có nhiều, mọi thứ đã có cán bộ Trung tâm điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội chăm sóc.
Bà Thanh là một trong những thương binh đặc biệt nặng đang được chăm sóc tại trung tâm này. Bà Thanh nói đã sống ở Trung tâm gần 20 năm.
Trò chuyện với phóng viên, bà Thanh kể: Trước đây bà từng tham gia du kích địa phương rồi bị thương. Hiện ở nhà không có người thân thích, chỉ còn cháu. Trong thời gian sống ở Trung tâm điều dưỡng Người có công, bà Thanh đã xem nơi đây là nhà của mình.
"Nơi đây điều kiện sinh hoạt khá tốt. Các cô, chú cán bộ cũng quan tâm, chăm sóc nhiệt tình. Ngày thường mình tự sinh hoạt, còn đau ốm đã có người chăm sóc, không còn phải lo lắng điều gì", bà Thanh chia sẻ.
Ngày cuối năm, ông Nguyễn Đặng Hưng - Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội - gặp các thương binh và cụ già cao tuổi ở lại trung tâm trong dịp Tết nguyên đán trò chuyện và động viên tinh thần các cụ.
Ông Hưng cho biết, hiện đơn vị đang nuôi dưỡng 3 thương binh (tháng 12/2020 tiếp nhận 1 thương binh nặng 1/4 ở Thị trấn Ái Tử - Triệu Phong vào nuôi dưỡng).
Trung tâm bố trí những cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, đủ khả năng đảm nhiệm công việc điều trị, điều dưỡng. Mỗi cán bộ hộ lý, y tế được đào tạo từ trung cấp y tế trở lên thường xuyên theo dõi, chăm lo ăn uống, vệ sinh phòng, nhà ở, tắm giặt, vệ sinh cá nhân, trực tiếp và hướng dẫn phục hồi chức năng đối với Thương binh.
Bà Tạ Thị Thanh cùng bà Nguyễn Thị Sen là 2 thương binh đặc biệt nặng được chăm sóc ở Trung tâm này. Bà Thanh cho biết, ngày thường ngoài giờ giấc sinh hoạt riêng, các cụ cũng ngồi bên nhau trò chuyện, tổ chức các hoạt động văn nghệ khiến nơi đây trở nên ấm áp như ở nhà. Do ở quê không còn người thân nên bà mong muốn ở lại Trung tâm trong những ngày Tết nguyên đán.
Tổ chức vui Xuân, đón Tết đầm ấm
Cùng sinh hoạt chung nhiều năm, căn phòng của bà Nguyễn Thị Thảo (73 tuổi) và bà Nguyễn Thị Kiệm (97 tuổi) rộn rã tiếng vui cười. Hai bà thuộc đối tượng người già không nơi nương tựa, được đưa vào đây nuôi dưỡng, chăm sóc.
Bà Thảo ở Cẩm Phổ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) đã ở đây 12 năm. Còn bà Kiệm ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. Bà Kiệm cho hay, những ngày tháng sinh sống ở Trung tâm bà thấy khá thoải mái, yên tâm hơn, bởi mọi thứ đã có cán bộ trung tâm hỗ trợ. Do ở quê không còn ai, được đứa con nhưng đã mất nên bà xin ở lại Trung tâm.
"Chị em sinh sống với nhau trong thời gian dài, khi buồn thì nói chuyện với nhau cho thoải mái, hoặc đi dạo trong khuôn viên. Mọi người trong khu vực này đều đồng cảnh ngộ nên dễ thông cảm với nhau", bà Thảo tâm sự.
Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Nguyễn Đặng Hưng cho biết, hiện số người già không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại Trung tâm đến tháng 12/2020 là 53 đối tượng, trong đó: 18 người già, 35 trẻ em.
Trong quá trình sinh hoạt tại Trung tâm, đơn vị đã trang cấp đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày và bổ sung thường xuyên áo quần, giày dép, sách vở cho các cháu đến trường. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí nhằm nâng cao thể chất và tinh thần cho cụ già và các cháu.
Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động tăng gia sản xuất để giáo dục ý thức lao động và cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày cho các đối tượng.
"Chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều đối tượng đặc biệt: thương binh, cụ già không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi nên cán bộ tại trung tâm cũng khá vất vả. Biên chế nhân viên ít nên khi các cụ đau ốm phải thay nhau trực đêm chăm sóc. Ngoài đồng lương thì không được hỗ trợ gì. Tuy vậy, anh em trong đơn vị luôn cố gắng tạo môi trường thân thiện để các cụ yên tâm như ở nhà", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, dịp Tết Nguyên đán, đơn vị đã tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết đầm ấm, chăm lo tốt đời sống sinh hoạt cho các cụ, các cháu trong dịp tết. Tổ chức liên hoan cuối năm, chuẩn bị quà, đưa đón các đối tượng về quê thăm gia đình an toàn.