Nâng cao điều kiện sống, khả năng tiếp cận việc làm cho người nghèo
(Dân trí) - Hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những giải pháp giúp phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế tình trạng người dân rơi vào tình trạng nghèo.
Đây là một trong những nội dung sẽ được đưa ra bàn luận tại Hội thảo "Công tác xã hội đối với người nghèo" do Cục Bảo trợ Xã hội và Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH tổ chức vào sáng 30/12, nhằm hoàn thiện mô hình và nhiệm vụ về công tác giảm nghèo, cũng như nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về công tác xã hội đối với người nghèo.
Tại hội thảo, các đơn vị, bộ, ngành có liên quan sẽ cùng nhau thảo luận, đưa ra các giải pháp để phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế tình trạng người dân rơi vào tình trạng nghèo đói, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế. Góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, hội thảo còn góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền về hành lang pháp lý, về chính sách pháp luật công tác xã hội đối với người nghèo cũng như các vấn đề cần lưu lý trong công tác truyền thông.
Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình tốt về công tác xã hội đối với người nghèo cũng như đưa ra những đề xuất, kiến nghị, các giải pháp hoàn thiện công tác xã hội đối với người nghèo.
Theo báo cáo đánh giá thực trạng nghèo của Việt Nam năm 2022 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 4/2022, giai đoạn 2010-2020 là thập kỷ chứng kiến Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao và công cuộc giảm nghèo đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Tính trung bình, mức tiêu dùng hộ gia đình đạt tăng trưởng cao, ở mức khoảng 5% mỗi năm. Căn cứ vào chuẩn nghèo dành cho quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới (3,20 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011), tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2020 (số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người năm 2020).
Theo thống kê, ở nước ta hiện nay, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội chiếm khoảng 25% dân số, trong đó có khoảng gần 12 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, khoảng 3,2 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm.
Khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 210 nghìn người nghiện ma túy, khoảng 300 nghìn nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Đồng thời thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa dẫn đến khoảng 1,8 lượt triệu hộ thiếu đói.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm chăm lo đối tượng yếu thế, đặc biệt là người nghèo gắn liền với mục tiêu phát triển công tác xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo nhằm cải thiện điều kiện sống của người nghèo bao gồm: hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh các trường dân tộc nội trú và bán trú; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, tình trạng nghèo đói còn tồn tại nhiều vấn đề, nhiều địa phương chưa nhận thức đúng, đầy đủ về công tác giảm nghèo nên hiệu quả giảm nghèo còn thấp; một số địa bàn và người dân còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa nỗ lực vươn lên thoát khỏi tình trạng khó khăn, nghèo đói.
Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, còn mang tính ngắn hạn và chưa kèm theo điều kiện, chưa gắn với đối tượng, địa bàn, thời hạn thụ hưởng nhằm tạo động lực, khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; cơ chế quản lý, chỉ đạo điều hành, phân công phân cấp còn chưa phù hợp với đặc thù vùng miền và đặc điểm văn hóa, tập trung của người dân.
Nguồn lực và giải pháp giải quyết các vấn đề sinh kế ổn định, tạo thu nhập cho người nghèo, nhất là người nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn còn hạn chế.
Vì vậy, công tác xã hội có vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo, góp phần hoàn thiện đầy đủ các mục tiêu giảm nghèo bền vững tại Việt Nam.