"Khi nào dân cầm sổ hộ nghèo trả chính quyền mới là giảm nghèo bền vững"
(Dân trí) - "Giảm nghèo không phải là cho hộ nghèo 2-3 triệu đồng rồi bắt cam kết tháng 5 nhận hỗ trợ, đến tháng 10 thoát nghèo" - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều trăn trở.
Ngày 13/12, báo cáo về công tác giảm nghèo trên địa bàn, UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 30.855 hộ nghèo và 13.915 hộ cận nghèo. Đến cuối năm 2021, tỉnh này còn 739 hộ nghèo và 3.035 hộ cận nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm liên tục qua từng năm. Trên địa bàn không có gia đình chính sách, người có công thuộc hộ nghèo.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tín dụng ưu đãi, chăm sóc sức khỏe y tế, nhà ở, giáo dục và đào tạo… cơ bản được quan tâm, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Tuy nhiên, theo đoàn giám sát của HĐND tỉnh Bạc Liêu, kết quả thực hiện công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, chưa đồng đều giữa các địa phương. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình chưa được thực hiện. Kết quả xuất khẩu lao động còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều người tham gia, nhất là đối với lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo;...
Theo kết quả điều tra chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bạc Liêu có 11.479 hộ nghèo và 14.667 hộ cận nghèo. Trong 12 tiêu chí thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, có 4 thiếu hụt chiếm tỷ lệ cao là bảo hiểm y tế, việc làm, sử dụng dịch vụ viễn thông, nhà tiêu hợp vệ sinh.
Nói về hoạt động này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khái quát, thời gian qua, tỉnh làm rất tốt công tác giảm nghèo. Nhiệm kỳ 2016 - 2020, mỗi năm Bạc Liêu kéo giảm được từ 2-3% trở lên, có huyện giảm đến 4,5%/năm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.
Theo ông Thiều, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác giảm nghèo. "Giảm nghèo không phải cho hộ nghèo từ 2-3 triệu đồng rồi bắt cam kết tháng 5 nhận tiền hỗ trợ, đến tháng 10 thoát nghèo. Giảm nghèo, làm như vậy chính là chưa bền vững", ông Thiều nhấn mạnh.
Ông Thiều hoan nghênh các sở, ngành nhận đỡ đầu hộ nghèo, nhưng người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng chỉ rõ, công tác giảm nghèo thời gian qua còn biểu hiện "chạy theo thành tích", để làm nông thôn mới.
"Trước đây, khi là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, tôi cũng đi giám sát chuyên đề này và kiến nghị rất thật là, chúng ta xây dựng nông thôn mới mà chạy theo thành tích thì người dân có đồng thuận hay không? Việc này cần phải làm lại. Khi nào người dân cầm sổ hộ nghèo đem trả lại cho chính quyền thì lúc đó kết quả giảm nghèo mới bền vững", ông Thiều thẳng thắn.
Theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, muốn thoát nghèo bền vững, người dân phải có công ăn việc làm để có thu nhập mới là việc quan trọng. Làm sao để người lao động nghèo có thu nhập hàng tháng thì sẽ thoát nghèo nhanh hơn.
Về giải pháp giảm nghèo, HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X giao UBND tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định của Trung ương và của tỉnh đối với các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó quan tâm việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án, mô hình sinh kế.
Quan tâm rà soát, thống kê hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đúng theo quy định; đảm bảo việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phải kịp thời, công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề (sát với nhu cầu thị trường lao động) gắn với giải quyết việc làm; tìm kiếm thị trường lao động trong và ngoài nước, cũng như tuyên truyền, vận động người lao động trong độ tuổi tham gia các chương trình xuất khẩu lao động.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp sai phạm trong thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là các trường hợp sai phạm mang tính chủ quan nhằm trục lợi chính sách.