Năm đầu "áp" chuẩn nghèo mới, tiêu chuẩn tăng cao kết quả vẫn tích cực
(Dân trí) - Trong thời gian tới, công tác giảm nghèo thực hiện theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Năm đầu thực hiện chuẩn nghèo đa chiều
Một trong những chỉ tiêu chủ yếu mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được Quốc hội giao là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%.
Năm 2022, các chỉ số thực hiện công tác giảm nghèo có sự tác động lớn vì là năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Nếu tính riêng về tiêu chí thu nhập, chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 cao hơn rất nhiều so với chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 (áp dụng cho cả năm 2021).
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hộ nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống.
Chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn. Ngoài ra, có 6 địa phương ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.
Kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều đầu kỳ (cuối năm 2021) là 9,35% với tổng số trên 2.393.000 hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 5,2% với tổng số trên 1.330.000 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,15% với tổng số trên 1.063.000 hộ.
Tuy mức chuẩn nghèo được nâng cao nhưng trong năm 2022, công tác giảm nghèo vẫn được thực hiện hiệu quả. Ước thực hiện năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2% so với đầu kỳ (cuối năm 2021), đạt chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Ưu tiên ngân sách hỗ trợ giảm nghèo
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2022, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương bố trí ngân sách để thực hiện kịp thời, đầy đủ các chương trình, chính sách giảm nghèo cho người dân theo quy định.
Trong năm, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung (hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm…).
Ước đến 31/12/2022, tổng dư nợ tín dụng ưu đãi dành cho hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt trên 283 nghìn tỷ đồng.
Chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 867.0000 lao động; giúp hàng chục ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua thiết bị học trực tuyến; xây dựng công trình nước sạch nông thôn; xây nhà cho người nghèo và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp…
Tính từ tháng 1 đến tháng 9/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức vận động 3.544 tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội.
Các địa phương đã hoàn thành việc giao vốn ngân sách nhà nước, huy động vốn xã hội tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Dự kiến cả năm có trên 1.200 công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế và công trình khác được xây dựng trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; xây dựng trên 500 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; thực hiện hơn 500 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được triển khai thực hiện; khoảng 65.000 người nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo được đào tạo kỹ năng nghề…
Từng bước xóa bỏ chính sách "cho không"
Tuy kết quả thực hiện năm 2022 khả quan nhưng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm…
Ngoài ra, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Để tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, đạt mục tiêu Quốc hội giao (Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 1-1,5%), Bộ LĐ-TB&XH đề ra nhiều giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2023.
Định hướng hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Mục tiêu của ngành LĐ-TB&XH là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Do đó, các chương trình của ngành sẽ chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.