Giải quyết triệt để vùng lõi nghèo, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo
(Dân trí) - Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, các chuyên gia cho rằng cần tập trung giải quyết những nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, dân tộc.
Đây là một trong những mục tiêu được nêu tại hội thảo "Công tác xã hội với người nghèo" do báo Dân trí phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 30/12.
Kết quả giảm nghèo vượt chỉ tiêu
Tại hội thảo, trình bày tham luận tổng quan về công tác giảm nghèo tại Việt Nam, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình nhấn mạnh, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước.
Báo cáo kết quả công tác giảm nghèo, ông Bình cho biết, giai đoạn 2016-2020, các kết quả giảm nghèo đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%; hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5,65%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bước sang năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo là 2,23%, giảm 0,52%, cận nghèo giảm 0,34%. Dự kiến tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,5% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đầy đủ, toàn diện hơn, gắn với mục tiêu tăng cường tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, dù có nhiều thành tựu, song thực tế cũng cho thấy kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nhiều hộ dân dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp.
Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời.
Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, còn hiện tượng trục lợi, tư lợi chính sách giảm nghèo.
Trước tình hình trên, để đáp ứng nguyện vọng thoát nghèo của các "vùng lõi nghèo" trên toàn quốc, Đảng, Nhà nước đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Khó khăn vẫn tăng gấp đôi nguồn lực cho giảm nghèo
Những năm gần đây, dù gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước. 21% ngân sách Nhà nước đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội. Đây là mức chi cao nhất trong các nước ASEAN.
Đặc biệt, trước việc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh, gây nguy cơ nghèo và tái nghèo đối với không ít người dân, Chính phủ và Quốc hội đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội.
Điển hình, Chính phủ có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó chú trọng tới người nghèo, lao động thiếu việc làm. Nối sau đó là Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã góp phần quyết định chặn đứng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Quyết tâm chính trị giảm nghèo càng mạnh mẽ hơn khi đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.
Đặc biệt, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng cần đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm, nhất là nâng cao thu nhập và bảo đảm các chiều dịch vụ xã hội cơ bản (về việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở...) để tiến tới xóa bỏ nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm.
Ông Bình lưu ý, cần tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.