Hạn chế cho không, cấp không nguồn vốn trong mô hình giảm nghèo

Hoàng Lam

(Dân trí) - Xung quanh công tác giảm nghèo, nhiều đại biểu tỉnh Nghệ An cho rằng, các hoạt động chưa khơi được khát vọng thoát nghèo của người dân khi kinh phí hỗ trợ giảm nghèo đang cấp không, cho không.

Mô hình giảm nghèo hiệu quả đếm trên đầu ngón tay

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo của Nghệ An đã đạt được bước tiến quan trọng, đặc biệt là đối với khu vực miền núi. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,74%/năm. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 2,74% hộ nghèo, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm trung bình 1-1,5% mỗi năm; riêng khu vực vùng miền núi giảm 2-3%/năm.

Hạn chế cho không, cấp không nguồn vốn trong mô hình giảm nghèo - 1

Hộ nghèo ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An được hỗ trợ vật nuôi để phát triển kinh tế (Ảnh: X.B).

Giảm nghèo bền vững là một trong những nội dung quan trọng, được các đại biểu đưa ra trong phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An.

Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho rằng tỉnh và các ngành, các cấp đã quan tâm thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững và đã có những kết quả nhất định nhưng nhìn chung chuyển biến còn chậm. "Tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở các huyện miền núi đang diễn ra nhiều nơi và số lượng mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông Tám cho hay.

Hạn chế cho không, cấp không nguồn vốn trong mô hình giảm nghèo - 2

Ông Kha Văn Tám: Số lượng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả còn ít (Ảnh: Hoàng Lam).

Đồng quan điểm với ông Kha Văn Tám, đại biểu Vi Văn Quý - huyện Quỳ Hợp cho rằng nhiều chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế còn dàn trải. "Chương trình hỗ trợ con giống cho hộ nghèo, nếu hỗ trợ một con bê giống thì cũng phải mất 2-3 năm mới sinh sản, trong khi đó người dân lại mất một lao động để trông coi, chăm sóc. Như vậy, hiệu quả giảm nghèo không cao", ông Quý dẫn chứng.

Đại biểu Quý đề xuất nên chăng có sự lồng ghép các dự án giảm nghèo, tránh hỗ trợ một cách dàn trải để tạo động lực cho hộ nghèo thoát nghèo.

Đi sâu phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng hộ nghèo cũng như tỉ lệ tái nghèo ở miền núi còn cao, theo đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương là do thiếu tư liệu sản xuất, cụ thể là đất sản xuất.

Hạn chế cho không, cấp không nguồn vốn trong mô hình giảm nghèo - 3

Ông Nguyễn Văn Hải: Người dân miền núi thiếu đất sản xuất (Ảnh: Hoàng Lam).

Hiện diện tích đất sản xuất và đất rẫy luân canh của người dân ở các huyện miền núi ngày càng bị thu hẹp do quy hoạch diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Trong khi đó, nếu người dân nhận chăm sóc rừng thì chỉ được trả phí dịch vụ môi trường rừng, không được hưởng tiền bảo vệ rừng. Ông Hải kiến nghị tỉnh có giải pháp để giải quyết vấn đề đất sản xuất cho người dân miền núi để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Giảm cho không, cấp không

Đại diện Sở Tài chính Nghệ An cũng chung nhận định thời gian qua đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế giúp người dân thoát nghèo, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế này hiện đã và đang được thực hiện theo cách thức cho không về kinh phí và tập trung cho một số ít hộ gia đình, quy mô nhỏ.

Hạn chế cho không, cấp không nguồn vốn trong mô hình giảm nghèo - 4

Ông Vi Văn Quý - Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳ Hợp: Các chương trình hỗ trợ giảm nghèo còn dàn trải (Ảnh: Hoàng Lam).

"Hết thời gian hỗ trợ, nghiệm thu mô hình thì các cơ quan chức năng đều đánh giá là mô hình rất thành công. Nhưng có nhân rộng được mô hình ra các hộ dân khác không, mô hình đó nếu tiếp tục chuyển cho hộ gia đình khác thì như thế nào?, nhà nước có tiếp tục cho vốn không?", ông Nguyễn Việt Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài chính băn khoăn về hiệu quả các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế giúp người dân thoát nghèo trong thời gian qua trên địa bàn.

Đại diện Sở Tài chính Nghệ An cho rằng, đã có quy định khi triển khai, các cơ quan, đơn vị có thể đề nghị thu hồi một phần vốn của mô hình nhưng vừa qua, kinh phí xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế đang được cấp không, cho không, thực tế Nhà nước không thu hồi được đồng nào. "Đối với mô hình giảm nghèo hiện Nhà nước đang cấp không thế này thì mô hình chỉ mãi là mô hình", ông Hưng nói.

Hạn chế cho không, cấp không nguồn vốn trong mô hình giảm nghèo - 5

Ông Nguyễn Việt Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An: Giảm cho không, cấp không nguồn vốn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo (Ảnh: Hoàng Lam).

Quan điểm của ông Hưng, ngoài lồng ghép các chương trình, cần tính đến phương án chuyển kinh phí giảm nghèo cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho người dân vay. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, xem xét hạ tiêu chuẩn cho vay cũng như lãi suất ưu đãi cho người dân có nhu cầu vay vốn để nhân rộng mô hình giảm nghèo. Người dân tự lập kế hoạch, tự chịu trách nhiệm đối với mô hình kinh tế.

"Tiền này Nhà nước không mất đi và nguồn vốn được tái cho vay, còn nếu vẫn cấp không như vừa qua thì đồng bào miền núi khó phát triển nhanh, hiệu quả giảm nghèo không cao do chỉ tập trung ở một số hộ thực hiện mô hình", ông Hưng chỉ rõ.