Mức lương thấp nhất của giáo viên sau cải cách tiền lương?
(Dân trí) - Bảng lương của giáo viên sẽ thay đổi khi thực hiện cải cách tiền lương. Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của giáo viên cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của doanh nghiệp.
Lộ trình cải cách tiền lương
Theo Nghị quyết 27/NQ-TW, giáo viên là đối tượng được cải cách tiền lương và mức lương được thay đổi có lộ trình nhằm nâng cao đời sống cho các nhà giáo.
Cụ thể, dự kiến từ năm 2021, tiền lương thấp nhất của giáo viên bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch trên phải lùi lại đến nay.
Năm 2024, khi tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương, tiền lương thấp nhất của giáo viên sẽ có thể cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị quyết 27 còn khẳng định, khi thực hiện cải cách tiền lương (dự kiến năm 2024), mức lương mới của giáo viên sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của giáo viên cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Mục tiêu cuối cùng là đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của giáo viên phải bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Nghị quyết 27 cũng đã bổ sung thêm tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương. Khi xây dựng bảng lương mới theo số tiền cụ thể căn cứ vào vị trí việc làm, trong cơ cấu tiền lương trong năm của giáo viên sẽ có thêm khoảng tiền thưởng.
Quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương giáo viên trong năm đó mà không bao gồm phụ cấp.
Hiện nay, với cách tính lương dựa vào hệ số và mức lương cơ sở, lương giáo viên thấp nhất là 3,348 triệu đồng/tháng (áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng IV).
Cơ cấu phụ cấp
Theo Nghị quyết, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.
Đồng thời, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo (hệ số x mức lương cơ sở) như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.
Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương.
Như vậy, sau cải cách tiền lương, giáo viên có thể hưởng các phụ cấp như: Phụ cấp ưu đãi nhà giáo, phụ cấp đặc thù, phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật, phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn...
Bên cạnh việc thực hiện nội dung Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, sau năm 2024, Việt Nam tiếp tục lộ trình tăng lương 5-7%, đảm bảo lương công chức tiệm cận với khu vực 1 của khối tư nhân.