Mức lương cao nhất của công chức cấp xã trước và sau cải cách tiền lương
(Dân trí) - Hiện nay, công chức cấp xã được xếp lương như công chức hành chính. Sau cải cách tiền lương, sẽ chuyển xếp lương cũ sang lương mới đảm bảo không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã.
Theo đó, cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định này được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Văn bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bằng.
Theo đó, công chức cấp xã được xếp lương như công chức hành chính, cụ thể:
Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đại học trở lên xếp lương theo ngạch chuyên viên (áp dụng công chức loại A1).
Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cao đẳng xếp lương theo ngạch cán sự (áp dụng công chức loại A0).
Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp xếp lương theo ngạch nhân viên (áp dụng công chức loại B).
Theo quy định tại Thông tư 2/2021/TT-BNV, lương công chức hành chính được tính theo công thức: Hệ số x mức lương cơ sở.
Trong đó, hệ số lương của công chức hành chính gồm chuyên viên (có hệ số lương 2,34-4,98, trình độ đào tạo từ đại học trở lên), cán sự (có hệ số lương 2,1-4,89, trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên); nhân viên (có hệ số lương 1,86-4,06, trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên).
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng thì mức lương công chức cấp xã cao nhất là 8,964 triệu đồng, chưa kể các khoản phụ cấp.
Theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, từ ngày 1/7/2024, nhà nước bãi bỏ tất cả các cơ chế, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính khi cải cách tiền lương đồng thời điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp xã hội tương ứng.
Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, cơ cấu tiền lương khi cải cách gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Ngoài ra, cán bộ công chức viên chức được bổ sung tiền thưởng, quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Đồng thời xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Như vậy, khi cải cách tiền lương, mức lương cao nhất của công chức cấp xã sẽ thấp hơn so với mức lương cao nhất hiện nay.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng các văn bản quy định và công việc cụ thể để triển khai chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ quy định.