Nghệ An:
"Mổ xẻ" nguyên nhân trẻ bị đuối nước, xâm hại và đối diện nhiều nguy cơ
(Dân trí) - Theo các ngành chức năng tại Nghệ An, tình trạng trẻ bị đuối nước vẫn còn xảy ra, số vụ bạo lực và xâm hại trẻ em giảm không đáng kể.
Chiều 12/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em.
Gần 120 vụ đuối nước
Báo cáo tại Hội nghị, ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An - thông tin: "Từ năm 2019 đến 30/4/2021, toàn tỉnh xảy ra 119 vụ trẻ em bị đuối nước, khiến 130 trẻ tử vong. Trong đó, năm 2019 có 58 trẻ tử vong, năm 2020 có 56 trẻ, riêng 4 tháng đầu năm 2021 có 16 trẻ tử vong trong các vụ đuối nước".
Cũng trong thời gian này, số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng không đáng kể. Toàn tỉnh xảy ra 81 vụ xâm hại trẻ em với 85 trẻ bị xâm hại, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 93 đối tượng thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ. Riêng 4 tháng đầu năm 2021, 6 vụ xâm hại đã diễn ra với 6 nạn nhân.
Tại Hội nghị, 11 ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu đã tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như đưa ra các kinh nghiệm, giải pháp và các kiến nghị để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, các ý kiến, tham luận đều cho rằng trẻ hiện đang đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, tính mạng và sự phát triển bình thường. Thiếu sự chăm sóc, quản lý từ phía gia đình là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ bị thương tích, đuối nước, xâm hại gia tăng.
Cùng với đó là các địa phương, ban ngành được phân công chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm; hệ thống cơ sở vật chất để trẻ học bơi cũng như vui chơi còn thiếu và hạn chế.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại diện các sở, ngành, các địa phương trong việc nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
"Qua các ý kiến, tham luận cho thấy, cấp ủy chính quyền các địa phương và các sở, ngành đều tham gia tích và có nhiều giải pháp quyết liệt bảo vệ trẻ em trước tình trạng đuối nước, thương tích và xâm hại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguy cơ đối với sự an toàn của trẻ vẫn còn cao, nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra", ông Bùi Đình Long nhận định.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là của các bậc phụ huynh.
Cùng với đó cần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cấp ủy, người đứng đầu các địa phương trong việc chăm sóc, bảo vệ, quản lý, ngăn chặn tội phạm đối với trẻ em.
Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng cần phải xây dựng số lượng bể bơi cũng như đội ngũ giáo viên dạy bơi đủ đáp ứng nhu cầu ở các huyện, thành, thị, đặc biệt là các địa phương còn khó khăn.
Ông Bùi Đình Long giao Sở Văn hóa Nghệ An xây dựng 1 đề án chuyên ngành về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt về cơ chế, chính sách. Nội dung này phải thực hiện sớm trong năm nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở GD&ĐT nghiên cứu để sớm đưa nội dung dạy bơi vào chương trình giáo dục; phối hợp với ngành văn hóa thống kê thực trạng trẻ em biết bơi ở từng địa bàn, từng cấp học để có phương án cụ thể.
Liên quan đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cấp ủy chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước chính quyền cấp trên. Các địa phương phải đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa về cơ sở vật chất và tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại địa phương. Đồng thời cần rà soát các điểm nguy hiểm và có giải pháp giải quyết cụ thể.
Đối với việc phòng chống xâm hại trẻ em, ông Bùi Đình Long đề nghị Công an, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp điều tra nhanh, xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em.
Thống kê của ngành chức năng Nghệ An, toàn tỉnh hiện có hơn 875.800 trẻ em, trong đó, số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn là gần 140.400 em.