Báo cáo rà soát pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
(Dân trí) - Ngày 12/1, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo về Báo cáo rà soát pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở Việt Nam.
Tham dự Hội thảo, có ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH; TS. Nguyễn Hải Hữu - Chuyên gia tư vấn, nguyên Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH); bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng bảo vệ trẻ, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng các bộ, ban ngành liên quan, đại biểu địa phương các tỉnh tham gia đóng góp ý kiến.
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Văn Bình cho biết, những giá trị tích cực mà công nghệ thông tin đem lại là không thể bàn cãi. Song, điều này kéo theo những hệ lụy khó lường là nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư, đặc biệt là đối với trẻ em.
'Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết. Vì vậy, Hội thảo là dịp Bộ tiếp tục thu nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Qua đó, công bố phát hành báo cáo thích hợp nhất cho các nhà làm chính sách", ông Nguyễn Văn Bình nói.
Khoảng trống
Thay mặt nhóm soạn thảo Báo cáo, TS. Nguyễn Hải Hữu cho rằng hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng để thích ứng với những tiến bộ của các công nghệ mới và tạo ra một khung pháp lý tương đối vững chắc để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Tuy nhiên vẫn còn những kẽ hở và thách thức để có thể đảm bảo tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tốt nhất liên quan tới công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mới mẻ này.
"Hiến pháp Việt Nam, Luật trẻ em, Luật Công nghệ thông tin và Luật An toàn thông tin mạng đã có quy định về việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Tuy nhiên chưa quy định rõ ràng, cụ thể những vấn đề riêng tư đặc biệt của nhóm đối tượng này", ông Nguyễn Hải Hữu cho hay.
Theo đó, Luật trẻ em (2016) đã có giải thích về hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Nhưng định nghĩa về tội hiếp dâm chưa hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, các mức xử phạt hành chính đối với hành vi này còn rất thấp và không phản ánh đầy đủ mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, để hạn chế sử dụng quá mức và nghiện Internet, Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn về những biện pháp phải thực hiện để hạn chế thời lượng sử dụng của trẻ em.
Cần sự chung tay
Đồng tác giả soạn thảo báo cáo, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), cho rằng, nhiều nước đã có hệ thống pháp luật chặt rất tiến bộ, thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng.
"Chúng ta rất cần có một văn bản pháp luật luật về dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực của lực lượng thanh kiểm tra. Điều này không chỉ giúp bảo vệ trẻ em mà quyền con người nói chung được bảo đảm hơn", bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết.
Tham gia đóng góp ý kiến, thượng tá Hoàng Trọng Kiên - Cục An ninh mạng và phòng, chống tội sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) - nhận định sẽ là "muối bỏ bể" nếu như không thay đổi cách thức tuyên tuyền thì rất khó tiếp cận rộng rãi tới mọi người.
"Tôi cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH nên phối hợp với Bộ Công an thay đổi về công tác tuyên tuyền. Ngoài phổ biến trên báo đài, chúng ta cần có tuyên tuyền viên gõ cửa từng nhà như kinh nghiệm chống dịch Covid-19 rất thành công vừa rồi", thượng tá Hoàng Trọng Kiên nói.
Ngoài ra, Thượng tá Hoàng Trọng Kiên cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT cùng nghiên cứu đưa ra những tiết học ngoại khóa để phổ biến kiến thức bảo vệ cá nhân trên môi trường mạng cho trẻ em và học sinh.