Nỗ lực bảo vệ trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng
(Dân trí) - Một phần ba thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. Ở Việt Nam, một khảo sát mới đây cho thấy, 21% các em được hỏi từng bị bắt nạt trên mạng.
Sáng ngày 26/11 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ban thư ký ASEAN và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức hội nghị trực tuyến về Bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng.
Chương trình có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc văn phòng UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương ông Marcoluigi Corsi và đại diện các ban ngành liên quan.
Hội thảo nhằm hướng tới việc chấm dứt tình trạng trẻ em bị bắt nạt, bạo lực tại trường học và trên môi trường mạng, tạo môi trường phù hợp cho sự phát triển toàn diện của trẻ, vượt qua thách thức, cùng nhau xây dựng.
Thúc đẩy tổng thể, tiếp cận toàn diện
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Mặc dù có những kết quả rất tích cực, báo cáo U-report của Liên hợp quốc năm 2019 cho thấy một thực tế, đó là: Một phần ba thanh thiếu niên ở 30 quốc gia đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó 1/5 số người đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực".
Tại Việt Nam, hơn 20% thanh thiếu niên tham gia khảo sát cho biết rằng họ đã từng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng, 75% các em không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp khi bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.
Mặc dù các quốc gia thành viên đã có những nỗ lực về bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt nói chung và trên môi trường mạng nói riêng, Thứ trưởng cho rằng ASEAN cần có cách thúc đẩy, tiếp cận tổng thể, toàn diện và mang tính khu vực trong vấn đề này. Đặc biệt, cần phải nhấn mạnh vào trách nhiệm và sự tham gia của chính trẻ em trong các nỗ lực này.
Các quốc gia ASEAN đã tiến hành những nỗ lực đáng kể nhằm cải thiện tình hình. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà dẫn chứng: "Mười một quốc gia ASEAN trong khu vực đã xây dựng các kế hoạch bảo vệ trẻ em trực tuyến, đã triển khai các chương trình an toàn mạng tại trường học; đang lồng ghép chủ đề này vào chương trình học tại trường...".
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong rằng, với nhiều hoạt động hợp tác và hỗ trợ hơn nữa, trong thời gian tới sẽ góp phần đảm bảo rằng mỗi trẻ em sẽ được hưởng đầy đủ các quyền như đã được quy định trong Công ước về quyền trẻ em, vì một Cộng đồng ASEAN không bỏ ai lại phía sau.
Cần có sự chung tay
Tại hội thảo, Phó Giám đốc văn phòng UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương ông Marcoluigi Corsi cho rằng: "Tình trạng bạo lực về thể chất và tinh thần sẽ tác động lâu dài đến sự phát triển toàn diện, đặc biệt là cảm xúc của trẻ em. Trên thực tế đã có rất nhiều trẻ bị khủng hoảng tâm lý, thậm chí dẫn đến việc tự tử".
Đây là một trọng những vấn đề mà các nước ASEAN cần phải chú trọng hơn nữa nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà trẻ em tiếp cận rất nhiều với internet và xuất hiện những hình thức bắt nạt trên mạng.
"Đã đến lúc phải nghĩ đến việc làm sao để loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực kể cả ở trường học hay trên mạng. Những trẻ em bị bắt nạt thường chịu rất nhiều áp lực và tâm lý, dẫn đến tình trạng tự ti và dẫn đến những hành động tiêu cực" - ông Marcoluigi Corsi nói.
Để thực hiện được việc loại bỏ các hình thức bắt nạt cần có những cam kết ở cấp chính trị, những hợp tác liên ngành và các tiếp cận đa ngành. Giải quyết tình trạng bắt nạt tại trường học và trên mạng không chỉ liên quan đến vấn đề hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ mà cần có sự tham gia của các tổ chức phi Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự và một phần trách nhiệm không nhỏ đến từ nhà trường.
Vai trò của gia đình và nhà trường
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến, em Nabila - đại diện trẻ em đến từ Indonesia -cho rằng, việc bị bắt nạt sẽ dẫn đến tình trạng trẻ em rơi vào tình trạng đau khổ, không muốn đi học nữa và sẽ cảm thấy trường học không còn là nơi an toàn. Từ đó, các chính phủ phải tạo được môi trường an toàn đối với trẻ em.
Theo Nabila, việc bắt nạt trên mạng thường xuất hiện một cách có chủ ý và thường sẽ có tính nặc danh. Việc bắt nạt trên mạng lan truyền rất nhanh với nhiều hình thức tinh vi và nguy hiểm điều đó làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý trẻ em.
Về giải pháp để chấm dứt tình trạng bắt nạt trẻ em ở trường học và trên Internet, em Nabila đề xuất: "Trẻ em không chỉ học những môn học trên lớp mà cần phải có những chuyến đi, sự kiện kết nối với trẻ em xung quanh và xây dựng những định hướng, ưu tiên cụ thể đối với việc bảo vệ trẻ em khỏi sự bắt nạt. Nhà trường cũng phải có những giải pháp, tuyên truyền, giáo dục và xử lý những hành vi bắt nạt".
Về phía đại diện trẻ em Việt Nam, em Phạm Đào Hồng Ngọc đến từ TP Bắc Kạn cho rằng, việc trẻ em bị bắt nạt ở trường học xảy ra theo nhiều cách khác nhau như: Đánh nhau, tẩy chay, quấy rối, xúc phạm bằng lời nói… Bắt nạt trên mạng đang là vấn đề đáng báo động và những người trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này.
Theo em Phạm Đào Hồng Ngọc, trẻ em và người lớn cần trang bị những kỹ năng và kiến thức và chia sẻ cho bạn bè, người lớn về vấn đề này. Ngoài ra, trẻ em cần thông báo cho thầy cô, gia đình về những mối đe dọa và những hành vi bắt nạt. Về phía thầy cô, nhà trường và gia đình cần trang bị những kiến thức để xử lý hiệu quả, nhằm ngăn chặn, giảm bớt những ảnh hưởng của bắt nạt đối với trẻ em.