1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mô hình xóa nghèo bền vững với vốn ban đầu chỉ… 10 triệu đồng

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên với vốn ban đầu chỉ 10 triệu đồng đã có thể xóa nghèo bền vững là một mô hình đáng nhân rộng.

Mô hình xóa nghèo bền vững với vốn ban đầu chỉ… 10 triệu đồng - 1

Bà Cao Thị Lương cho biết, gia đình đã thoát nghèo nhờ  tiền hỗ trợ  10 triệu đồng để nuôi bò.

Bà Cao Thị Lương, người dân tộc Thổ ở xóm Đò, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp tâm sự: "Cách đây 3 năm, gia đình nhận tiền hỗ trợ 10 triệu đồng rồi vay mượn thêm để mua con bò cái 15 triệu đồng để nhân đàn. Thức ăn của bò là cỏ voi được trồng từ đất vườn của gia đình và các nguồn thức ăn khác sẵn có. Sau một năm, tôi bán lứa thứ nhất được 17 triệu đồng".

Chồng bà Lương bị tai nạn lao động, không đi làm được nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. "Ban đầu từ con bò mẹ mua từ nguồn tiền hỗ trợ đã đẻ được 2 bê cái, tôi sẽ cố gắng nhân đàn từ đây để thoát nghèo", bà Lương cho biết.

Gia đình cựu binh Trương Văn Thiết, ở xóm Đại Thành, xã Văn Lợi cho biết, gia đình có 4 miệng ăn chỉ trông nhờ vào 2 sào ruộng và một ít diện tích mía nên cái nghèo cứ bám trụ đã nhiều năm nay.

Mô hình xóa nghèo bền vững với vốn ban đầu chỉ… 10 triệu đồng - 2

Ông Trương Văn Thiết phấn khởi cho biết, tổng giá trị đàn bò của gia đình hiện tại đã hơn 50 triệu đồng.

Năm 2017, ông nhận thấy nguồn thức ăn cho bò có sẵn, chỉ mất công chăm sóc nên vợ chồng ông đã quyết chí thoát nghèo. 

"Ban đầu, gia đình mua một con bò cái, sau 3 năm đã sinh sản được 2 con. Tổng giá trị đàn bò của gia đình hiện tại đã hơn 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhờ nguồn phân bón hữu cơ từ chăn nuôi bò, tôi dùng để bón cho lúa, mía, quýt... ", ông Thiết cho biết thêm.

Trao đổi với PV, Bà Ngân Thị Hồng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳ Hợp phấn khởi: "Năm 2017, huyện Quỳ Hợp đã thử nghiệm mô hình xóa nghèo cho 22 hộ với chỉ 220 triệu đồng hỗ trợ kinh phí mua giống bò sinh sản bản địa. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sau một năm, những hộ này đã thoát được nghèo".

Trước đây, nguồn huy động góp Quỹ vì người nghèo của huyện thường chi vào việc tặng quà dịp tết cho các hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo.

"Sau rất nhiều trăn trở, suy nghĩ của lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã quyết định chuyển hướng bằng cách sử dụng một phần kinh phí của Quỹ vì người nghèo để thử nghiệm hỗ trợ 22 hộ ở vùng đặc biệt khó khăn với sô tiền 10 triệu đồng/hộ. Huyện cũng đã định hướng  cho các đối tượng sử dụng khoản kinh phí này vào việc mua bò sinh sản để nhân đàn", bà Hồng cho biết thêm.

Mô hình xóa nghèo bền vững với vốn ban đầu chỉ… 10 triệu đồng - 3

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao bê giống cho hộ nghèo tại huyện Kỳ Sơn.

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, với hơn 50% dân số là người dân tộc thiểu số và có 2/3 số xã đặc biệt khó khăn cho nên công tác xóa đói, giảm nghèo ở Quỳ Hợp (Nghệ An)  gặp nhiều khó khăn.

Sau nhiều năm thực hiện chính sách hỗ trợ sinh kế để xóa nghèo bền vững đã mang lại kết quả cao. Được biết, năm 2017, huyện thử nghiệm mô hình mới với 22 hộ. Tới năm 2018, mô hình đã áp dụng với lên 178 hộ, năm 2019 có 163 hộ. Riêng năm 2020 có 200 hộ đăng ký tham gia.

Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An: "Huyện Quỳ Hợp là đơn vị đã biết cách và sớm lựa chọn đúng nội dung phù hợp để phát huy hiệu quả cao từ nguồn Quỹ vì người nghèo. Nhờ thế đã phát huy rất tốt nguồn quỹ này, tạo sinh kế bền vững để người nghèo thoát nghèo".