(Dân trí) - "Ngày ấy chiến tranh ác liệt, để con đi thì tôi dễ mất con nhưng giữ con lại thì mất nước", mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lang nói lý do không ngăn cản người con trai mới 18 tuổi nhập ngũ.
Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, hai con trai đều nhập ngũ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mất một người, mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lang cũng tham gia cách mạng. Hơn 100 tuổi, mẹ đã dành hơn 50 năm cuộc đời mòn mỏi khóc tìm mộ phần con.
Trước bàn thờ nghi ngút khói hương ngày "giỗ vọng" chồng, con, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (100 tuổi, ở phường Tân An, TP Hội An, Quảng Nam) liên tục kéo áo lau đôi mắt nhòe nước. "Ngày ấy, chiến tranh ác liệt, để con đi thì tôi dễ mất con, giữ con lại thì mất nước, để cho hắn đi" - người mẹ già nhỏ bé, khô héo nói về lý do bà không ngăn cản chàng trai mới mười tám tuổi đã giấu mẹ, lén đăng ký nhập ngũ hơn nửa thế kỷ trước.
Chàng thanh niên Huỳnh Quang Thợ lẽ ra có thể lựa chọn không xông pha nơi chiến trường khi đó, vì cha của Thợ đã thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhà anh là gia đình có công với cách mạng, mẹ anh là vợ liệt sĩ, đơn chiếc nuôi con đến ngày trưởng thành.
Bàn thờ con trai không di ảnh, không một tờ lịch đánh dấu ngày mất, người mẹ già nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo, khóc vì xót xa: "Không còn chi hết con à. Ảnh nó cũng mất hết trơn". Gọi là "giỗ vọng" là vì thế.
Mẹ Lang không biết con trai hy sinh ngày nào, không một tấm ảnh thờ, không kỷ vật nào còn sót lại, bàn thờ chỉ treo tấm bằng Tổ quốc ghi công. Mẹ lấy ngày nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công và ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm làm ngày cúng giỗ con trai.
Mẹ Lang là thân nhân của hai liệt sĩ, chồng và con trai lần lượt hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.
Năm nay, đã bước qua tuổi 100, mẹ vẫn rất minh mẫn. Mẹ nói "cố minh mẫn để chờ ngày đón con trở về". Mẹ không nỡ quên con trai, ngày ngày níu giữ từng mảnh ký ức về chàng trai "da trắng, mắt tròn, năm nay 78 tuổi nếu hắn còn sống".
Chồng mẹ Lang, liệt sĩ Huỳnh Kinh Nhi (sinh năm 1918) cũng là người Hội An. Những năm kháng chiến chống Pháp ác liệt, để tiện cho hoạt động cách mạng của chồng, cả gia đình di tản vào vùng cát trắng xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sinh sống. Khoảng năm 1950, ông Huỳnh Kinh Nhi hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Ngày nhận tin chồng, mẹ Lang khóc cạn nước mắt, nhưng vẫn gắng gượng vừa hoạt động cách mạng vừa nuôi con nên người.
Ngày ấy, xã Bình Dương là địa bàn giao tranh ác liệt, cuộc sống người dân hết sức khó khăn, nhưng tinh thần cách mạng vẫn luôn rực lửa. Lợi dụng công việc buôn bán đi lại giữa Hội An và huyện Thăng Bình, mẹ Ngô Thị Lang thường xuyên đảm nhận nhiệm vụ mua thuốc, thức ăn và vải áo cho bộ đội.
Ngôi nhà của mẹ tại thôn 2, xã Bình Dương còn là nơi nuôi giấu cán bộ. Mẹ kể, dưới gian bếp đơn sơ của gia đình là căn hầm bí mật để bộ đội trú ẩn, họp bàn khi cần thiết. Những lúc như vậy mẹ lại đảm nhận nhiệm vụ cảnh giới, báo động.
"Có một đợt không biết ai chỉ điểm, lính ngụy phát hiện ra căn hầm, chúng đánh mẹ "thừa sống thiếu chết". May lúc đó hầm không có cán bộ. Nhiều lần chúng đánh mẹ dã man, hung hãn vì phát hiện việc vận chuyển thuốc, thức ăn cho bộ đội. Những lần đó cũng không biết ai chỉ điểm, nhưng mẹ thà chết không nhận", mẹ Lang rưng rưng nhớ lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ.
Dù gian nan, hiểm nguy như vậy, chưa khi nào mẹ oán than. Với mẹ, những ký ức chiến tranh ác liệt nhất cũng là những năm tháng hào hùng, ý nghĩa, khó quên nhất trong cuộc đời.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch phường Cẩm Phô, TP Hội An cho biết: "Chúng tôi bày tỏ sự cảm phục, lòng biết ơn vô hạn về những mất mát, hy sinh to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc, cho dân tộc.
Gia đình mẹ Ngô Thị Lang là gia đình giàu truyền thống cách mạng. Chính quyền các cấp, ban ngành luôn quan tâm, động viên, thường xuyên thăm hỏi, an ủi mẹ lúc tuổi già. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức hỗ trợ khi cần, mong sớm tìm được liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ, để mẹ có thể an yên lúc tuổi già"
Khoảng năm 1963, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ 17 tuổi Huỳnh Quang Thợ trốn mẹ lên đường nhập ngũ.
Mẹ Ngô Thị Lang nghẹn ngào kể, năm ấy cô con gái đầu được cử đi Hà Nội học tập theo diện con cán bộ hy sinh, cậu con trai út thì đi làm công cho người ta, chỉ còn Huỳnh Quang Thợ, là con trai thứ ở với mẹ tại quê nhà. Lúc bấy giờ, Thợ đang học đệ tam (cấp III hiện nay - PV), một buổi đến trường, một buổi phụ mẹ đồng áng.
"Ngày con nhập ngũ mẹ không hay, đến khi đơn vị báo tin về mẹ Lang mới biết thằng Thợ nó trốn mẹ đi mất rồi. Lúc đó đang nghỉ hè, thấy thanh niên trong làng hăng hái lên đường nhập ngũ, nó cũng đi.
Nhà nghèo, lúc đi nó có mang cái gì đâu, mẹ nhớ chỉ có chiếc cặp xách thường dùng đi học. Biết chiến tranh ác liệt, mẹ cũng sợ lắm, nhưng mẹ không ngăn con. Cản con thì mất nước", mẹ Lang bùi ngùi nhớ lại.
Từ ngày chàng trai trẻ Huỳnh Quang Thợ ra chiến trường, mọi thông tin đều bặt vô âm tín. Dù không hề hay tin gì về con, nhưng ngày ngày mẹ Lang vẫn hy vọng chiến tranh sớm kết thúc và anh lại trở về đoàn tụ, sống bên mẹ.
Chiến tranh một lần nữa cướp đi ước muốn gia đình đoàn tụ của mẹ. Năm 1965, chiến sĩ Huỳnh Quang Thợ hy sinh tại mảnh đất cát trắng nắng bỏng Núi Thành, Quảng Nam, khi mới 21 tuổi. Nhưng cũng phải đến năm 1978, gia đình mới nhận được giấy báo tử.
"Mẹ nghe tin báo con hy sinh từ những người trong làng cũng đi đánh trận trong ấy (huyện Núi Thành - PV). Mẹ không dám tin con ơi. Thằng Thợ của mẹ nó mất rồi. Hồi đó có biết gì đâu, chiến tranh ác liệt biết tìm con nơi mô. Ngày ngày, mẹ chỉ biết hướng mắt về Núi Thành, nơi con mẹ ra đi mãi mãi", mẹ Lang gạt nước mắt.
Kể về người anh trai thứ của mình, ông Huỳnh Quang Thuyền (74 tuổi, con trai út của mẹ Ngô Thị Lang) chia sẻ, lúc anh Huỳnh Quang Thợ lên đường nhập ngũ thì ông đang làm công cho người ta. Đến năm 1965, ông Thuyền cùng 21 người bạn trong nhóm thợ viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, cũng là năm Huỳnh Quang Thợ hy sinh.
"Lúc anh trai hy sinh, tôi đang ở chiến trường, có biết gì đâu. Ngày ấy nhóm thợ 21 người chúng tôi đều đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi, sợ phải đi lính ngụy nên chúng tôi đều lên đường tham gia cách mạng.
Gia đình tôi có truyền thống cách mạng từ đời cha ông, đến đời mình không thể theo giặc. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, thà chết trên chiến trường còn hơn là kẻ bán nước", ông Thuyền nắm tay mẹ, đôi mắt cũng đỏ hoe.
Từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt, từ chiến trường Quảng Nam đến Quảng Trị máu lửa, ông Huỳnh Quang Thuyền may mắn "nhiều lần trở về từ cõi chết". Phục vụ trong quân ngũ đến năm 1989, về địa phương, ông Thuyền tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng. Hiện nay, ông đang là Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Cẩm Phô, TP Hội An, hưởng chế độ thương binh hạng 3/4 vì những cống hiến cho sự nghiệp cứu nước.
Chiến tranh đã đi qua, đất nước hoàn toàn thống nhất nhưng hơn 50 năm qua, nước mặt mẹ Ngô Thị Lang vẫn chưa ngừng rơi. Mẹ vẫn chưa phút giây nào yên lòng khi nghĩ về cậu con trai vẫn chưa trở về.
Theo ông Huỳnh Quang Thuyền, gia đình đã nhiều lần, nhiều năm nỗ lực tìm kiếm hài cốt, mộ phần liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ nhưng nay vẫn vô vọng. Qua thông tin gia đình xác minh, liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ hy sinh tại Núi Thành, hiện nay được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, nhưng cụ thể phần mộ nào thì không thể xác định.
"Ở nghĩa trang có rất nhiều mộ liệt sĩ vô danh, không biết đâu là nơi anh tôi đang yên nghỉ, mà cũng không thể xác định chính xác anh có ở Tam Nghĩa không. Mỗi lần vào thăm, mẹ tôi đều đi lang thang khắp các hàng bia mộ thắp hương, khấn vái trong vô vọng. Mẹ buồn lắm, di nguyện cuối đời mẹ chỉ mong đưa anh về Hội An yên nghỉ, ở gần bên mẹ", ông Thuyền nghẹn giọng kể.
Đôi bàn tay khô héo vì thời gian, tuổi tác, mẹ Ngô Thị Lang lần vuốt từng hàng bia mộ ghi dòng chữ "Liệt sĩ chưa xác định được danh tính", lặng lẽ khóc: "Chỉ biết con ở nghĩa trang Núi Thành này thôi chứ không biết hắn nằm chỗ mô".
Nhiều đêm mẹ mơ thấy anh về, anh chỉ đứng đó mỉm cười hỏi mẹ khỏe không. Tỉnh dậy, nước mắt mẹ giàn giụa vì nhớ thương con. Mỗi lần nỗi nhớ nhung trỗi dậy, mẹ chỉ biết lục lại những ký ức đã cũ, vì không có một kỷ vật nào nữa, ngay cả chiếc cặp, sách bút học trò, liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ cũng đã mang theo khi trốn đi tòng quân.
"Mất hết rồi, con mẹ đã mất hết, mọi thứ để ghi nhớ về con cũng bị giặc đốt phá. Mẹ chỉ nhớ con mẹ rất khôi ngô, học rất giỏi, lại hiếu thảo, có gì ngon cũng phần mẹ trước", mẹ Lang mỉm cười mà nước mắt tuôn dài trên khuôn mặt đã mỏi mòn, khô héo.
Vào năm 2014, mẹ Ngô Thị Lang đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Đêm 27/7, trong chương trình cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, câu chuyện hơn 50 năm đi tìm mộ con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang khiến khán giả cả nước nghẹn ngào xúc động.
"Ngày đó mẹ được đến Núi Thành thăm lại nơi con mẹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, được gặp các cháu đã cống hiến cả thanh xuân, một phần xương máu cho Tổ quốc… Mẹ cảm động lắm. Sau chương trình, cũng có nhiều người hỏi thăm, động viên, tiếp thêm động lực cho mẹ…", mẹ Ngô Thị Lang mắt ngấn lệ.
Nội dung: Công Bính - Ngô Linh
Thiết kế: Tuấn Huy