Mái ấm của trẻ em khuyết tật

Hơn 30 năm qua, Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã trở thành mái ấm của trẻ em khuyết tật trong và ngoài tỉnh.

Mái ấm của trẻ em khuyết tật - 1

Một giờ học của các em khiếm thính. 

Đây là ngôi trường chuyên biệt duy nhất nằm trong hệ thống giáo dục tiểu học của tỉnh Nam Định.

Tại đây, các em thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau không chỉ được học văn hóa, kỹ năng sống, hỗ trợ phục hồi vận động mà còn được học nghề may, tin học văn phòng, trang bị hành trang giúp những trẻ em thiếu may mắn tự tin, hòa nhập cộng đồng và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Ngôi trường đặc biệt

Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy hiện có 125 học sinh với 10 lớp thuộc 5 khối học. Các em thuộc các dạng khuyết tật nghe nói, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật thần kinh, khuyết tật vận động, khuyết tật khác đến từ các địa phương trong tỉnh Nam Định và một số tỉnh, thành phố.

Do có nhiều dạng tật khác nhau nên các giáo viên trong trường phải cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò. Vừa dạy học kiến thức, tập vận động, luyện kỹ năng, vừa chăm sóc, giúp đỡ các em trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

Mái ấm của trẻ em khuyết tật - 2

Cô giáo hướng dẫn học sinh khiếm thính học bài.

Phải rất vất vả cô Nguyễn Thị Kiều Diễm, giáo viên lớp 1B3 mới ổn định được lớp học vỏn vẹn 10 học sinh. Để các em chú ý, làm theo yêu cầu bài học, cô phải hướng dẫn từng em.

Có khi đang ngồi học, một số em quay sang làm việc riêng, cô phải dừng bài học lại để ổn định lớp, sau đó đi xung quanh chỉnh từng tư thế ngồi, cách mở miệng phát âm từng từ, từng câu. Bởi vậy, bài học dù ngắn nhưng có khi cô phải mất cả một buổi thậm chí sang những ngày tiếp theo mới hoàn thành.

Cô Diễm cho hay, các em vào trường với nhận thức khác nhau do đó để dạy học văn hóa là cả một quá trình dài. Ngoài việc nắm chắc tình trạng của mỗi em để lên kế hoạch giảng dạy phù hợp, giáo viên phải có lòng yêu trẻ, sự kiên nhẫn và khích lệ học sinh, tạo sự tin tưởng, giúp các em mạnh dạn, cố gắng đạt từng mục tiêu giáo viên đặt ra.

Với 30 năm gắn bó với ngôi trường này, cô Bùi Thị Minh Hương chia sẻ, dạy học sinh khuyết tật, cô giáo thực sự như một người mẹ, người bạn, phải nắm được khả năng nhận thức, tâm sinh lý của từng em. Khi đã hiểu rõ khó khăn của mỗi em, giáo viên điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với nhận thức từng trường hợp. Bài học vì thế có thể chia nhỏ và linh hoạt điều chỉnh nội dung, phương pháp và hình thức giảng dạy.

Mái ấm của trẻ em khuyết tật - 3

Cô giáo hỗ trợ phục hồi vận động cho học sinh khuyết tật. 

Tại ngôi trường này, các giáo viên không chỉ là người dạy học văn hóa mà còn giúp các em trong việc phục hồi chức năng và chăm sóc các em trong suốt thời gian ở trường.

Để việc dạy học hiệu quả, tiết kiệm chi phí mua sắm, các giáo viên thường sử dụng các đồ dùng bỏ đi như: giấy nháp, ống nhựa... để làm dụng cụ luyện nghe, đồ dùng luyện thở, dụng cụ tập vận động tay, chân và các bài tập giúp hỗ trợ các em khuyết tật vận động, khuyết tật nghe nói.

Hầu hết học sinh đều học bán trú tại trường; trong đó, hơn 50 em ở nội trú tại trường nên công việc của giáo viên ở đây vất vả gấp bội.

Đối với các em ở nội trú, nhà trường bố trí 3 phòng ở được trang bị điều hòa, ti vi, quạt mát đầy đủ. Khu nam và nữ được ngăn cách, đảm bảo các em sinh hoạt riêng biệt. Buổi trưa và tối đều có 3 cán bộ giáo viên, nhân viên ở lại cùng các em để kiểm tra, giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo các em học tập và sinh hoạt an toàn.

Nâng bước trẻ khuyết tật

Những năm gần đây, song song với dạy học văn hóa, nhà trường mở thêm các lớp dạy nghề may và tin học văn phòng cho những em có nhận thức khá. Trung bình mỗi năm có 10 em được học nghề, nhiều em sau khi ra trường đã xin được việc làm, ổn định cuộc sống.

Mái ấm của trẻ em khuyết tật - 4

Hiện nhà trường có 15 máy may công nghiệp; 7 máy tính phục vụ việc học nghề cho các em. Mỗi tuần 2 buổi, 15 em ở các khối lớp 4, 5 được các cô dạy học nghề. Các em học nghề chủ yếu bị khuyết tật nghe nói, tư duy và nhận thức tốt, do đó học khá nhanh và đều có thể học thành thạo các kỹ năng may cơ bản, tự tin giao tiếp, thể hiện bản thân khi đi làm.

Là học sinh khiếm thính, sau 4 năm theo học tại trường, em Đỗ Thị Ngọc Mai (17 tuổi, học sinh lớp 4, ở xã Giao Hải, huyện Giao Thủy) đã có thể nói chậm hoặc sử dụng ngôn ngữ dấu hiệu để mọi người xung quanh hiểu những suy nghĩ, điều mình muốn diễn đạt. "Em rất vui và hạnh phúc khi được các cô giáo giúp đỡ, dạy kiến thức, dạy nghề may. Em hi vọng sau này ra trường em có thể tìm được việc làm ở doanh nghiệp trên địa bàn để kiếm tiền, giúp đỡ bố mẹ, nhất là tự lo cho cuộc sống của mình", em Mai bộc bạch.

Ngoài việc dạy nghề, nhà trường còn liên kết với Trung tâm Yoga tại huyện Giao Thủy cử giáo viên về hướng dẫn học sinh toàn trường tập yoga mỗi tuần một buổi để cải thiện chức năng vận động, giúp các em rèn luyện sức khỏe, ổn định tinh thần, tâm lý.

Mái ấm của trẻ em khuyết tật - 5

Giờ học nghề may công nghiệp của các em học sinh trường Trẻ em Khuyết tật huyện Giao Thủy.

 Cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy cho biết, được sự quan tâm thường xuyên, kịp thời của UBND huyện Giao Thủy, điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường đã được đầu tư kịp thời, nhất là trong những năm gần đây, cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy học.

Với 10 giáo viên trực tiếp đứng lớp có chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm về giáo dục trẻ khuyết tật, hầu hết các em theo học tại trường đều tiến bộ về các kỹ năng. Những bạn tự kỷ sau 1 - 2 năm theo học tại trường có thể hòa nhập và học tại các trường tiểu học bình thường. Một số em sau khi ra trường có thể theo được các cấp học cao hơn và nhiều em xin được việc tại các công ty, xí nghiệp, đảm bảo cuộc sống của chính mình.

Theo Hiệu trưởng Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy, những năm gần đây lượng học sinh có nguyện vọng theo học tại trường khá đông. Sĩ số các lớp hiện nay đang cao hơn quy định, trung bình khoảng 10 em/lớp (quy chuẩn là 5 - 7 em/lớp), trong khi đó, trường chưa có nhà chức năng cũng như thiết bị hỗ trợ can thiệp vận động cho các em...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhà trường đẩy mạnh phong trào sáng tạo đồ dùng dạy học trong đội ngũ với giáo viên; liên kết với các Trung tâm luyện tập Yoga, Aerobic tổ chức các buổi ngoại khóa giúp các em tự tin hòa nhập.

Nhà trường cũng tham mưu với chính quyền địa phương, vận động các đơn vị, nhà hảo tâm giúp đỡ để có điều kiện đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là hỗ trợ các em đã được học nghề sau khi ra trường có việc làm ổn định, tự lập và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Theo Nguyễn Lành

Baotintuc.vn