1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Trên 1 triệu người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng nhận trợ cấp ở cộng đồng

(Dân trí) - "Cả nước hiện có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng…".

Nhân dịp Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), bà Phạm Thị Hải Hà - Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã có cuộc trao đổi với PV Dân trí về thực trạng và những giải pháp trong việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. 

Thưa bà, công tác trợ giúp người khuyết tật đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư từ nhiều năm nay. Cho tới thời điểm này, quá trình xây dựng chính sách liên quan tới người khuyết tật đã đạt được những kết quả ra sao? 

- Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác trợ giúp người khuyết tật với việc ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật.

Nhìn chung, việc ban hành hệ thống chính sách về người khuyết tật đã tương đối đầy đủ, thống nhất và toàn diện.

Trên 1 triệu người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng nhận trợ cấp ở cộng đồng - 1

Người khiếm thị sản xuất chổi tại một HTX ở Hà Nội. (ảnh: Công Phạm)

Luật Người khuyết tật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2011. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật.

"Gần đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 753 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW và Quyết định 1190 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với các chỉ tiêu về phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, tăng cường giải pháp hỗ trợ giáo dục, y tế, việc làm với người khuyết tật...", bà Phạm Thị Hải Hà cho biết.

Đặc biệt có thể kể đến Quyết định số 1019 về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 1100 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực với nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến lao động là người khuyết tật qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, tự vươn lên hòa nhập xã hội và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Trong thực tế triển khai chính sách, những kết quả nổi bật của công tác hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng là gì, thưa bà?

- Theo ước tính, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số. Việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật vào thực tế cũng đang đem lại hiệu quả thiết thực.

Năm 2020 cả nước đã có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.

Trên 1 triệu người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng nhận trợ cấp ở cộng đồng - 2

Nhiều mô hình tự tạo việc làm của người khuyết tật có hiệu quả trong thực tế (Ảnh: Công Phạm)

Số lượng học sinh khuyết tật được đi học trong giai đoạn 2011 - 2020 đã tăng gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn 2000 - 2010. Ban hành quy định thống nhất sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille trong toàn quốc, xây dựng các chương trình giáo dục đặc biệt đối với trẻ khuyết tật, đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt.

Hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở Bảo trợ xã hội và 100% người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện ưu tiên khám chữa bệnh cho người khuyết tật.

Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật đến nay đã được triển khai tại 50 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện và 4.604 xã, phường, trên 90% người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe khi có nhu cầu.

Giai đoạn 2011-2020, bình quân mỗi năm có từ 17.000 - 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Để hỗ trợ người khuyết tật về việc làm, các địa phương đã hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận với các nguồn vay vốn ưu đãi, giai đoạn từ 2011 - 2020, ước tính có khoảng 38.564 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.

Một số địa phương đã thực hiện chính sách giảm giá vé cho người khuyết tật tham gia giao thông ở mức từ 25% -100%, cấp giấy xác nhận về khuyết tật cho 3,2 triệu người, BHYT bao phủ 95 % người khuyết tật, cao hơn mức trung bình của cả nước.

Bên cạnh đó, khoảng 60% trong số 6,2 triệu người khuyết tật có việc làm, hơn 10.000 người khuyết tật nặng và không có người chăm sóc được đưa vào 100 cơ sở bảo trợ xã hội. Cả nước cũng có gần 2 triệu trẻ khuyết tật được giáo dục và hỗ trợ tới trường, gần 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm...

Thưa bà, bên cạnh các kết quả trên, công tác hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng còn gặp những khó khăn ra sao?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng còn một số khó khăn như: Hệ thống chính sách trợ giúp người khuyết tật cơ bản đầy đủ, song việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vướng mắc, bất cập còn chậm.

Đặc biệt, tồn tại lớn nhất là giao thông tiếp cận của người khuyết tật. Một số bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật hàng năm và cả giai đoạn.

"Vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng. Số người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất thiếu thốn...", bà Phạm Thị Hải Hà cho biết.

Công tác tổ chức thực hiện pháp luật về người khuyết tật một số nơi còn chậm, chưa toàn diện; rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại ảnh hưởng đến lộ trình tiếp cận giao thông và công trình công cộng theo quy định của Luật Người khuyết tật khó hoàn thành.

Trong khi đó, đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật còn nhiều khó khăn, nhất là người khuyết tật đặc biệt nặng.

Công tác quản lý nhà nước, nhất là việc bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách, công tác thống kê và quản lý người khuyết tật, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác người khuyết tật chưa được phát huy.

Trên 1 triệu người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng nhận trợ cấp ở cộng đồng - 3

Nhu cầu hòa nhập cộng đồng và việc làm của người khuyết tật rất lớn (Ảnh: Công Phạm)

Để công tác hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng có hiệu quả hơn, bà đánh giá ra sao về sự phân công trách nhiệm giữa các cấp, ban ngành thời gian qua?

- Việc phân công rõ trách nhiệm giữa các cấp, ban ngành và chính bản thân người khuyết tật là rất quan trọng, cụ thể từ khi Quốc hội thông qua Luật Người khuyết và Thủ tướng Chính phủ ban hành các Kế hoạch, Đề án, Chương trình trợ giúp người khuyết tật các giai đoạn đã giao trách nhiệm cho các cấp, Bộ, ngành nên công tác trợ giúp người khuyết tật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với người khuyết tật được nâng cao hơn, người khuyết tật ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hòa nhập vào đời sống xã hội.

Các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội.

Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức tôn giáo, nhân đạo, từ thiện.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức người khuyết tật đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật...

Xin trân trọng cảm ơn bà