Lương tăng từ 1/7, người lao động sẽ bớt chút khó khăn
(Dân trí) - Làm việc với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận những nỗ lực của công đoàn, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 bùng phát để kịp thời hỗ trợ người lao động.
Chiều 18/5, tại Hà Nội, bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam về phối hợp thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới".
Giúp đoàn viên, người lao động vượt khó
Phát biểu tại làm việc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao sự chủ động của Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc chủ động phối hợp với Ban Dân vận Trung ương đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 02, cùng bàn giải pháp thúc đẩy đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Theo đó, chỉ sau 1 tháng Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành chương trình hành động chi tiết với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đặc biệt là việc ban hành 35 nội dung gồm các đề án và kế hoạch đề ra trong Chương trình 02/Ctr-BCH cụ thể bám sát đúng và trúng Nghị quyết.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã ghi nhận, đánh giá cao Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo quán triệt Nghị quyết sâu sắc đến các cấp Công đoàn trong toàn hệ thống. Điều này là sự thể hiện của cán bộ công đoàn trong nhận thức sâu sắc về Nghị quyết, qua đó mới có thể tạo chuyển biến từ nhận thức, đến hành động. Đây cũng là cơ sở để qua đó xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, thích ứng trong tình hình mới.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm hướng tới đoàn viên và người lao động, đặc biệt đã chủ động xây dựng các chính sách kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động.
Đặc biệt, các cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở đã hy sinh lợi ích bản thân, không ngại hiểm nguy lao vào vùng dịch để hỗ trợ đoàn viên và người lao động. Qua đó, hình ảnh người cán bộ công đoàn đã in sâu với mỗi người lao động trong những lúc khó khăn.
Nhiều biện pháp giúp đỡ, động viên, khuyến khích của hệ thống công đoàn còn giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động, qua đó giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, công nhân có việc làm, dần ổn định tình hình quan hệ lao động.
Trưởng Ban dân vận Trung ương lưu ý, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần chủ động tham mưu, đề xuất cơ chế tuyển dụng cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở, từ phong trào; biên chế cho Công đoàn; chính sách giữ chân và thu hút cán bộ Công đoàn trong bối cảnh mới...
Qua đó, Công đoàn đã chứng minh sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của mình với đoàn viên, người lao động.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục quan tâm tuyên truyền, quán triệt về Nghị quyết, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng tuyên truyền để cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội nhận thức rõ thời cơ và thách thức với tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới.
Đồng thời, Công đoàn cần nắm vững tâm tư và nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, đặc biệt là những bức xúc của công nhân lao động để kịp thời giải quyết ngay từ đầu, nhằm góp phần bảo vệ người lao động và đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội.
Nhiều sáng kiến trong khó khăn
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khái quát, Nghị quyết số 02-NQ/TW khẳng định sự quan tâm, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, qua đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Theo đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lãnh đạo Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức nghiên cứu, xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 02/Ctr-BCH ngày 20/7/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết trong toàn hệ thống Công đoàn, đồng thời tham mưu cấp ủy đảng cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW và Chương trình số 02/Ctr-BCH, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết được quán triệt nhất quán; công tác xây dựng chương trình, kế hoạch hành động được triển khai kịp thời, đầy đủ; công tác tổ chức học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW tại các địa phương, ngành được tổ chức bài bản, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, nhất là trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Đến nay, đã có trên 5.000 tỷ đồng được các cấp công đoàn chi từ nguồn tích lũy công đoàn và phối hợp chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã kịp thời điều chỉnh, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động để vừa chăm lo Tết, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh.
Tổ chức triển khai hoạt động, tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, ra sức thi đua lao động sản xuất, đồng hành với Chính phủ, chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất…
Đặc biệt, vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động đã tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia, các cán bộ công đoàn đã tham gia đàm phán, thể hiện được vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Qua đó đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng lên 6%, từ 1/7/2022 và được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chấp thuận.
Có thể việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ thực hiện từ 1/7 tới. Việc tăng lương sẽ giúp người lao động bớt một chút khó khăn, trong khi giá cả các mặt hàng tăng nhiều.
Hoạt động của các cấp công đoàn đã có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao…
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.
Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng trực tiếp ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hướng tới đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp, như: Hỗ trợ người lao động là F0, F1, bị giãn việc, mất việc, bị cách ly, phong tỏa; hỗ trợ dinh dưỡng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", hỗ trợ dinh dưỡng cho lực lượng y tế chống dịch; miễn đóng đoàn phí cho người lao động khó khăn, lùi đóng kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp khó khăn...
Cũng trong dịch bệnh, nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được công đoàn sáng tạo như: Bếp ăn yêu thương, đi chợ giúp nhau, tổ an toàn Covid-19, siêu thị 0 đồng, xe buýt siêu thị 0 đồng... Thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các cấp công đoàn đã chi hơn 6.000 tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn nhằm hỗ trợ đoàn viên và người lao động.