Lương hưu tăng, tuổi nghỉ hưu năm 2024 cũng tịnh tiến
(Dân trí) - Tăng lương hưu, nhiều khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội, hằng tháng được điều chỉnh... là những nội dung nổi bật về chính sách bảo hiểm xã hội năm 2024.
Tăng lương hưu
Theo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, từ 1/7, cả nước thực hiện việc tăng thêm 15% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp của tháng 6/2024.
Với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước 1/1/1995, sau khi điều chỉnh có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm.
Theo đó, tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng đến dưới 3,5 triệu đồng.
Theo thống kê, khoảng 3,3 triệu người đã được tăng lương hưu, trợ cấp từ tháng 7.
Trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2014, số 58/2014/QH13 các khoản trợ cấp được hưởng gắn với mức lương cơ sở gồm: Trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc khi nhận con nuôi; Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau hoặc sau thai sản; Trợ cấp mai táng; Trợ cấp tuất hàng tháng.
Các khoản trợ cấp này cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể khi tăng lương cơ sở từ thời điểm 1/7.
Cụ thể: Trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc khi nhận con nuôi tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng. Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau hoặc sau thai sản tăng từ 540.000 đồng/ngày lên 702.000 đồng/ngày. Trợ cấp mai táng tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng.
Về trợ cấp tuất hàng tháng, đối với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Tăng từ 1,26 triệu đồng/tháng lên 1,638 triệu đồng/tháng. Trường hợp còn lại tăng từ 900.000 đồng/tháng lên 1,17 triệu đồng/tháng.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động muốn nghỉ hưu cần phải đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
Sau 3 năm thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, năm 2024, trong điều kiện bình thường, lao động nam đủ 61 tuổi, lao động nữ 56 tuổi 4 tháng đủ tuổi nghỉ hưu.
Hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội
Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều ban hành thông tư mới quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 được quy định tại Thông tư 20/2023/TT-BLĐTBXH ban hành vào ngày 29/12/2023.
Mức điều chỉnh trên được áp dụng cho các trường hợp tính lương hưu, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tiền trợ cấp tuất một lần… trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024.