Lương hưu tại Việt Nam siêu thấp do đâu?
(Dân trí) - Chế độ lương hưu tại Việt Nam tồn tại nghịch lý là tỷ lệ hưởng lương hưu rất cao nhưng tiền lương thực tế lại thấp...
Làm sao để có lương hưu cao?
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, trong khi ở Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ khoảng 40%.
Tuy tỷ lệ hưởng lương hưu cao như thế nhưng thực tế tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc lại không cao. Năm 2022, bình quân tiền lương đóng BHXH là 5,73 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mức lương hưu bình quân hiện chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Nguyên nhân được Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ là một số doanh nghiệp có tình trạng tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản, ngoại trừ tiền lương cơ bản còn nhiều khoản phụ cấp, thu nhập bổ sung khác. Vì vậy, tiền lương cơ bản làm căn cứ đóng BHXH thường thấp hơn thu nhập thực tế của người lao động.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, lấy ví dụ mức lương của ông sau gần 20 năm công tác là hơn 10 triệu đồng, có thể còn thấp hơn thu nhập thực tế của một số công nhân có thâm niên tương tự.
Tuy nhiên, lương của ông là 10 triệu đồng thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đủ 10 triệu đồng. Còn thu nhập của công nhân có thể hơn 10 triệu đồng nhưng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của họ chỉ khoảng 5-7 triệu đồng. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của công nhân thấp thì tất nhiên lương hưu sau này của họ cũng sẽ thấp.
Theo ông Tâm, chỉ khi tiền lương đóng BHXH của người lao động được tính đúng, tính đủ thì mức đóng BHXH của họ mới cao. Mức đóng BHXH cao thì tương lai lương hưu của người lao động mới có thể cao, đảm bảo an ninh tài chính khi về già.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), với nguyên tắc đóng - hưởng, đa số người lao động có mức lương hạn chế, đóng BHXH với mức lương thấp thì lương hưu sẽ không cao. Từ đó dẫn đến thực trạng là lương hưu không đảm bảo được cuộc sống về già như hiện nay.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người lao động và nâng cao tính hấp dẫn của lương hưu, liên đoàn lao động các tỉnh thành phía Nam đều đồng tình với đề xuất điều chỉnh cách tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc trong dự thảo luật BHXH sửa đổi.
Lương hưu phải là đích đến duy nhất!
Tại hội nghị góp ý dự thảo luật BHXH do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức, BHXH tỉnh Đồng Nai thông tin kết quả một cuộc khảo sát ý kiến của đơn vị này với gần 1.200 người rút BHXH một lần trong năm 2021 tham gia.
Kết quả cho thấy, có gần 97% số người được khảo sát trả lời tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm y tế trong tương lai là có lợi. Chỉ có hơn 3% số người tham gia trả lời là không có lợi.
Điều đó cho thấy, ai cũng biết lợi ích của BHXH, ai cũng muốn hưởng lương hưu. Tuy nhiên, thực tế quyết định, hành động của người lao động lại rất khác.
BHXH Đồng Nai cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2023, tổng số người nhận trợ cấp BHXH một lần trên địa bàn tỉnh là hơn 343.000 người. Đáng ngại hơn, số người nhận trợ cấp có xu hướng gia tăng hằng năm, năm sau cao hơn năm trước.
Theo BHXH Đồng Nai, việc người lao động quyết định rút BHXH một lần có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do tỷ lệ mà người lao động được rút quá cao và điều kiện rút quá dễ dàng.
Cuộc khảo sát của BHXH Đồng Nai cho thấy, hầu hết người rút BHXH một lần đều muốn có lương hưu nhưng họ vẫn quyết định rút một lần ngay khi gặp khó khăn.
95% số người tham gia khảo sát cho rằng: "Việc chi trả trợ cấp một lần hiện nay rất thuận tiện, dễ dàng".
Do đó, ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH Đồng Nai, kiến nghị khi sửa đổi luật BHXH cần soạn thảo theo hướng hạn chế và sớm chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần khi còn đủ tuổi lao động.
Ông Thành cho rằng: "Đây là điều cần thiết và nên sớm thúc đẩy để lương hưu phải là đích đến duy nhất của BHXH. Tất nhiên, đề xuất này phải đi kèm với lộ trình cải thiện tính hấp dẫn của BHXH, nâng cao quyền lợi của người tham gia".
Theo ông Carlos Andre da Silva Gama Nogueira, chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cách tốt nhất để giữ chân người lao động trong hệ thống BHXH là từng bước giảm nhu cầu rút BHXH một lần. Để thực hiện việc này, có thể giảm dần số tiền cho phép người lao động rút một lần, tăng thời gian chờ đợi để được nhận tiền rút bảo hiểm...
Đồng thời, phải tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn cho người lao động khi họ gặp khó khăn, mở rộng diện bao phủ và tăng hiệu quả của bảo hiểm thất nghiệp để họ đỡ gánh nặng tài chính khi mất việc, tăng cường việc làm bền vững cho người lao động…